Tuesday, July 10, 2007

Chuyện về ngôi nhà cổ 130 tuổi ở miền Tây




Trên mảnh đất Nam bộ, những ngôi nhà cổ xưa có lẽ phải còn tồn tại đến hàng trăm cái। Trải qua bao dâu bể, những ngôi nhà ấy dường như đã nhuộm đặc một màu thời gian, lặng lẽ đứng trầm mặc suy tư ở một nẻo đường, một dòng kênh đặc quánh phù sa nào đó. Mỗi một ngôi nhà là một tác phẩm kiến trúc có giá trị mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước. Và điều hấp dẫn, lý thú nhất lại là những câu chuyện, những giai thoại của những nhân vật, những thế hệ đã sống và đã tạo nên hồn vía cho những ngôi nhà cổ xưa này.



Một trong những tác phẩm kiến trúc cổ xưa tài hoa được gìn giữ khá nguyên vẹn chính là ngôi nhà cổ 130 tuổi của gia tộc họ Dương tại đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ.

Tôi có một cơ may là hay được hầu chuyện và hầu rượu với ông Dương Minh Hiển - chủ nhân của ngôi nhà cổ Cần Thơ। Tuy sở học không được là bao nhưng đã thành tật, cứ mỗi khi đi đâu thấy đồ cổ – mà thật ra nó có cổ hay không tôi cũng chẳng hay – mắt tôi lại sáng lên, trong bụng thèm muốn vô kể. Ngặt nổi, những đứa viết lách như tôi lương thì ít, bổng lộc lại càng không - lấy đâu ra tiền mà chơi đồ cổ. Tôi bỗng nghiệm ra một điều - chi bằng mình cố kết thân với… những tay chơi đồ cổ. Ít ra cũng được một cái thú cầm tận tay, nhìn tận mắt những bảo vật bao đời… của người ta (!). Thế nên, mặc bạn bè rủ rê tiệc tùng ở đâu đâu cứ hễ Dương lão gia nhắn nhe lên chơi là tôi bỏ tất tật mọi thứ. Kể cũng đáng công, khi người mà tôi có cơ may được hầu rượu lại là chủ nhân của ngôi nhà cổ nhất miền Tây – Tết này đã tròn 130 niên. Gốc tích ngọn nguồn về ngôi nhà cổ và gia tộc họ Dương qua lời kể của Dương lão gia là vầy.



Gia tộc họ Dương vốn gốc ở Nha Mân, Đồng Tháp trôi dạt đến đất Bình Thủy, Cần Thơ sinh cơ lập nghiệp cách đây đã mấy trăm năm có lẻ. Họ được coi là người có công “khai thiên lập địa” ở xứ này. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ 19, gia tộc này trở nên giàu có. Chủ nhân bấy giờ là ông Hội đồng Ba bèn bỏ công, bỏ của ra cất một ngôi nhà để… chưng đồ cổ coi chơi (?). Ngôi nhà này được xây dựng mãi từ năm 1870 trên khuôn viên ngót 8 ngàn mét vuông. Dương lão gia bảo với tôi rằng, hồi đó ở xứ này có một ông thầy tên Ba Nghĩa – nhưng dân dã trong vùng quen gọi là ông thầy Lỗ Ban - cất nhà đẹp lắm. Điều đáng nói là ông ta hơi dị hình, dị tướng. Ông cao chỉ độ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như… một dấu hỏi. Tư niên mãn mùa, ông ở trần vận độc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót. Hai món vật bất ly thân của ông thầy Lỗ Ban này là một cái nẻ mực và một chiếc rìu. Chỉ với hai bảo bối đó, ông thầy đã đẻo không biết bao nhiêu cây cột lim tròn vành vạnh. Nhưng với gia tộc này, cất nhà phải đẹp hực hỡ là chuyện đương nhiên phải vậy. Điều kiện kèm theo đó được ông Hội đồng Ba đưa ra lại khá ngặt – “Thầy cất nhà cho tôi đẹp hực hỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”. Ông thầy Ba Nghĩa nghĩ ngợi hồi lâu rồi bảo – “Ngặt nổi cái nghề này, miễn gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”. Ông Hội đồng phẩy tay nói nhẹ hều: “Ậy ậy, đừng lo. Tôi bảo đảm với thầ,y mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”. Thực hư của cái hợp đồng xây dựng kỳ dị đó thể nào thì không biết, có điều dân quanh vùng đồn thổi rằng khi lên đòn dong ông thầy Lỗ Ban có ếm bùa, bỏ ngải Hội đồng Ba mới giàu đến vậy. Nhưng gạt qua một bên những câu chuyện nhuốm màu kỳ bí đó thì phải công nhận ông thầy Ba Nghĩa quả là nghệ nhân khi chỉ với cây rìu đẽo lại cất được một ngôi nhà 5 gian, bề ngang đến 20 mét mộng mẹo khít rim. Nghe đâu, việc cất nhà đã kéo dài đến 20 năm ròng rã mới xong. Ngay cả bộ trường kỷ để ngay trước án thờ vốn là kỷ vật của ông Dương Chấn Kỷ - ông nội của Dương lão gia - để lại cũng là món đồ cổ vô giá. Để có bộ ghế bằng gỗ lim này một nghệ nhân người miền Nam đã phải chạm các chi tiết rồng phụng chính xác đến từng milimet một. Bộ ghế lớn là vậy, nặng là vậy nhưng chân ghế chỉ nhỏ bằng cườm tay con nít. Riêng thợ cẩn xà cừ lại là một nghệ nhân miền Bắc thời đó tên Đồng Văn Chiếm đảm trách. Trải qua hơn trăm năm nay nhưng những vẩy xà cừ cứ óng ánh ngũ sắc hực hỡ. Cũng như các ngôi nhà đại địa chủ khác ở xứ lục tỉnh, chủ nhân của ngôi nhà cổ này cũng thuê mướn nghệ nhân dụng công làm nên hàng bao lam nối các cột lim trước án thờ. Nhưng điểm độc đáo mà tôi chỉ mới thấy ở đây đó là các họa tiết trên bao lam không hề có những điển tích Trung Quốc xưa như thông lệ. Toàn bộ các chi tiết trên bao lam này đã thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã của chính lưu dân khẩn hoang. Từ con cua, con gà, con tôm, con cá cho đến cành trúc, lùm cây hết sức dân dã. Cảm hứng chủ đạo của các nghệ nhân phải chăng muốn ca ngợi cảnh yên bình của nông thôn xứ Đàng Trong lúc bấy giờ.rở lại với chuyện đồ cổ. Di vật của ông Dương Chấn Kỷ còn để lại là một bức ảnh truyền thần hiện được treo trang trọng ở sảnh giữa gian nhà. Điểm độc đáo ở chỗ, bức truyền thần này được đúc bằng sành tráng men với những chi tiết thật như ảnh chụp bây giờ. Bên trái bức ảnh có hàng chữ Hán Nôm tạm dịch sơ là: “Đề Ngạn An Nam Tường Nguyên Án Tạo”. Người ta bảo công nghệ làm ra những bức ảnh bằng sành tráng men như vầy chỉ có ở Pháp và Trung Quốc từ cuối TK 18. Nhưng với dòng chữ hiện còn lưu giữ ấy tôi lại hồ nghi, chẳng lẽ nghệ nhân Bến Nghé lại làm được hay sao. Nếu quả vậy thì đây là một vấn đề đáng để nghiên cứu. Bức ảnh này đã trãi qua bao biến cố, có lúc gia tộc phải chôn xuống bùn để tránh bom đạn nhưng vẫn không mảy may suy suyển. Gia tộc này cũng còn lưu giữ rất nhiều chung, chén, dĩa… toàn bộ đều là đồ nội phủ, ngoạn ngọc. Cổ nhất phải kể đến cái chén Tuyên Đức Niên Phụng từ đời Minh có niên đại 572 năm, một độc bình Thành Hóa Niên Chế với ngót… 533 tuổi. Rồi một độc bình men lam khác rất độc đáo với những họa tiết phỏng theo điển tích “Tam cố thảo lư” – Lưu Bị ba lần đến lều tranh rước Khổng Minh. Rồi một chiếc lư đồng có 3 chân vạc và 2 đầu nghê rất khó đoán niên đại. Có điều dưới đáy lư có một dấu triện 6 nét thuộc loại “Đại triện tối cổ”. Nhưng món đồ mà tôi hay mân mê mỗi khi có dịp lên nhà Dương lão gia lại là một chiếc lư đồng mắt tre vô cùng tinh xảo. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, thì ngoài chiếc lư mắt tre ở chùa Vĩnh Triều Minh ở Bạc Liêu thì xứ lục tỉnh chỉ còn chiếc này nữa mà thôi. Cũng trong tiệc rượu lần này, Dương lão khoe tôi một chén cổ, ông bảo ông sắp tặng bảo vật này cho một người bạn thân nên đem ra ngắm nghía lần cuối. Cái chén đã có màu thời gian – điểm đáng ăn tiền của đồ cổ. Nhưng đáng nói hơn trên cái chén ngoạn ngọc này ngoài những họa tiết điển tích lại là 4 câu thơ trong bài thơ Đường tứ tuyệt “Đằng Dương Các Tự” của Vương Bột. Tạm đọc là: “Đằng Dương cao các lâm giang chữ. Bội ngọc minh loan bãi ca vũ. Hội đống tiêu phi nam phố vân. Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ”. Ngắm nghía hồi lâu, tôi chỉ biết chắc lưỡi tiếc thầm cho Dương lão – Độc đáo đến vậy mà cho về nhà người hay sao !



Lai nói về công tử Cần Thơ một thành viên của ngôi nhà cổ. Quả là hồi nào tới giờ, tôi chưa nghe kể nhiều, cũng như chưa biết ngọn ngành một giai thoại nào về ông ta. Nhưng những lão già cố cựu ở đất Long Tuyền vẫn còn láng máng nhớ chừng. Công tử Cần Thơ, tục danh là Dương Văn Quảng – con của ông Dương Lập Cang, người sáng lập ra ngôi đình Bình Thuỷ nổi danh không kém. Ông Dương Minh Hiển gọi ông Dương Lập Cang là nội Hai. Do lúc về già, ông Dương Văn Quảng có làm Hương Cả nên dân cố cự xứ nầy hay gọi là ông Cả Quảng hơn là công tử Cần Thơ. Ôâng nầy vốn là một tay kinh doanh giỏi, có đầu óc tổ chức nhưng cũng là một tay ăn chơi có hạng, lại sẵn máu “ai có gì mình có nấy”. Tỷ như chuyện bỏ ra bạc ngàn Đông Dương để mua một chiếc “Rờ nôn lỗ mũi xẹp” – xe Renault – chạy chơi cho sướng(!). Nên nhớ, trào đó ở xứ Cần Thơ xe Huê kỳ chỉ đếm trên đầu một bàn tay. Ông quan chủ tỉnh có một chiếc, hai ông quan Tây sở hữu hai chiếc, kế đến chỉ có công tử Cần Thơ nhà mình.Lúc đó, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, con đại điền chủ Trần Trinh Trạch cũng đã khét tiếng như một tay ăn chơi phong lưu nhất hạng. Lại thêm có máu ăn thua – ai có cái gì mình phải có cái nấy, thậm chí cái của mình phải lớn hơn cái của thiên hạ (!). Chuyện Hắc công tử – biệt danh mà thiên hạ thời đó gán cho để dễ phân biệt với Phước Georges, Bạch công tử xứ Mỹ Tho – giựt dây Trần lão gia để sắm xe Huê kỳ, sắm trực thăng, ca nô đã trở thành giai thoại đến giờ. Thói phong lưu nhất hạng đó đã khiến Hắc công tử khi ra đường chỉ biết hếch mặt nhìn trời mà bước. Số phận dun dủi thến nào lại có dịp cho hai “ông trời” kể trên đụng độ nhau giữa ban ngày, ban mặt. Chuyện xảy ra đâu như lối những năm 20, 30. Số là hồi đó cầu Cái Răng chưa to lớn, hực hỡ như bây giờ. Nó chỉ là một chiếc cầu sắt đủ cho một chiều xe lưu thông. Nhưng được vậy là sang cả lắm rồi. Còn nhớ, trào những năm 1890, Cần Thơ chỉ có hai nhà dây thép và 2 chợ thuộc loại có tiếng, một ở trung tâm Cần Thơ và một ở Cái Răng thuộc làng Thường Thạnh, tổng Định Bảo. Nhắc thêm một chút mới biết cái phồn thịnh của xứ Cái Răng bấy giờ. Cứ như thông lệ, xe pháo hai bên trước khi qua cầu phải nhìn trước, ngó sau để nhường đường. Đằng này, cả hai chiếc một Renault một Peugeot cứ nhấn ga phóng hết tốc lực để rồi chẳng ai chịu nhường ai ở… ngay giữa cầu (?). Nói nào ngay, xe của công tử Cần Thơ đã chạy qua đâu được 7 phần thân cầu rồi thế nên Cả Quảng mới hầm hầm mở cửa xe xấn tới để đòi “Đánh chết mẹ cái thằng nào dám chắn đường xe của ông”. Nói là làm, công tử Quảng thoi ngay vào mặt Hắc công tử। To chuyện hơn ở chỗ, bàn tay công tử Quảng đeo chiếc cà rá nhận hột xoàn hơi to nên đã… để thẹo, máu chảy ròng ròng trên mặt công tử Bạc Liêu. Sau nầy, khi biết chuyện gia tộc họ Dương đã phải thở dài bảo nhỏ, nếu biết đó là công tử Bạc Liêu thì đã nhịn cho qua chuyện. Nghe đâu, hồi đó cũng lớn chuyện dữ. Cò bót lập biên bản tới lui chỉ để kéo xe cho hai công tử; xe đò lục tỉnh thì bị kẹt đường mất mấy ngày. Riêng hai công tử nhà ta kiện nhau ra Tòa Chánh bố năm lần, bảy lượt. Vụ kiện kéo dài cả năm trời. Đúng là chuyện xui của công tử Cần Thơ.



Tôi đem chuyện nầy hỏi lại công tử Khánh – cháu kêu công tử Bạc Liêu bằng cậu ruột, xem thực hư thể nào. Ông cười lớn bảo: “Chuyện đụng độ, ăn thua như vầy của cậu Ba tui nhiều lắm, tui không nhớ hết. Mà dám có lắm à nghen, trào đó ổng đang đeo đuổi cô Ba Trà huê khôi Nam Kỳ đang trú ngụ đất Cần Thơ mà. Tui độ chừng, chắc là có người đẹp đi cùng nên ổng mới giựt le cỡ vậy đó cô”. Tôi ngớ người ra vì những sự kiện ngẫu nhiên dồn dập đến. Hóa ra, xứ lục tỉnh lúc đó người đẹp nhiều không kém đất Sài Gòn. Nếu ở Sài Gòn có cô Ba Pho, tên Tây của cổ là Rosalie – chủ một nhà may trên đường Sabourain, rồi cô Marie Huê chủ quán cơm “Đông Pháp lữ quán” đường Espagne, rồi cô Ba Cù là, cô Lucie Bandeau thì xứ lục tỉnh nào có kém cạnh. Từ cô Chánh “Bẹt tăng” vợ của nhất hạng tham biện Giudicelli, chủ tỉnh Sóc Trăng cho đến cô Năm Cần Thơ, cô Sáu em công tử Bích xứ Trà Vinh, cô Bảy Hột Điều, cô Tư Nhị từ Nam Vang xuống. Nhưng sáng giá nhất vẫn là cô Ba Trà, huê khôi số một đất Nam kỳ. Người mà cụ Vương Hồng Sển lúc trai trẻ đã phải “cung kính” chắc lưỡi, hít hà mà rằng: “Thưa cô Ba, trong mắt tôi, trong hồn tôi, đối với tôi, cô vẫn luôn luôn, vẫn là người đẹp khuynh quốc, khuynh thành. Tiếng rằng, cha mẹ cho tôi lên đây để ở nội trú, để xôi kinh, nấu sử. Mà xôi và nấu đâu không thấy, đêm nào như đêm nấy, tôi chỉ mơ mộng tưởng nhớ hình dung cô Ba”… Than ôi cho Vương lão gia đáng kính (?!)। Lại trở về mạch chuyện cũ nãy giờ. Lúc đó, cô Ba Trà đang là tình nhân của Phước Georges nhưng lại thêm tật hay vờn cậu Ba Huy – Hắc công tử. Bộ ba nầy hay hẹn nhau ở đất Tây đô để ăn chơi cho thỏa chí tang bồng. Theo hồi ức của cụ Vương Hồng Sển thì: “Hai công tử trổ tài hào hoa, phong nhã với cô Ba, mướn phòng khách sạn Bungalow đánh bài tay ba, chia xong dành nhau chung tiền. Cô Ba gom tiền không hết. Nhưng đụng chạm nói chuyện chơi thì có mà… không có chuyện kia” (?). Sự thực có như ý của Vương lão không thì chưa biết, có điều nói nào ngay cô Ba Trà dẫu biết Cậu Ba lúa thiên, lúa lẫm ngặt nỗi lại chê chuyện Cậu Ba đen đúa, quê mùa. Dẫu Cậu Ba đã cố đeo mắt kiếng gọng đồi mồi, mặc áo nỉ, chơi xe sport như một tay phong lưu nhất hạng. Nghe được bấy nhiêu chuyện cũng đáng cho một cuốc xe lôi lọc cọc mười cây số lặn lội lên Bình Thủy.



Tôi khoan khoái nhủ thầm trong bụng và tiện chân bước tới, bước lui ngắm nghía đồ cổ của Dương lão gia. Bất thần lão gia gọi giật: “Ậy ậy, bây đừng có ngồi lên bộ tràng kỷ bên góc phải nghe chưa”. “Ủa, bộ chân nó bị mục hả lão gia”. “Một trăm năm nữa, mối mọt còn chưa ăn thua. Tao hổng cho bây ngồi lên bởi vì trào trước, đây là chỗ để cặp ngà voi – hổng chừng lớn nhất Việt Nam – ngự lên. Linh thiêng lắm bây "। Tuy lão gia chưa kể tường tận gốc tích cặp ngà nhưng tôi cũng nghe loáng thoáng là vầy. Cụ Dương Chấn Kỷ vốn có một đam mê lạ lùng với việc sưu tập đồ cổ mặc dù trông bề ngoài của cụ không ra vẻ tay chơi mấy. Ấy mới sinh chuyện về sau. Số là trong một dịp về Sài Gòn xem mấy cái chành lúa, tiện đi ngang qua đường Catinat, ông vào xem chơi một gian hàng bán tiêu bản thú vật của một tay chủ tiệm, thợ săn người Pháp. Tay nầy thấy ông già mặc đồ bà ba, tay cắp bị bàng cứ đứng mân mê cặp ngà voi bèn nạt lớn – “Nè ông già, đây không phải là chỗ chơi của ông đâu. Lỡ tay ông có làm trầy xước nó thì bán cả gia sản cũng không đủ thường bồi cho tôi”. Liếc nhìn tay chủ tiệm bằng nửa con mắt, cụ Dương Chấn Kỷ thủng thỉnh hỏi lại: “Cỡ bao nhiêu mà dữ vậy chú em. Nói qua nghe thử coi”। Tấn hài kịch vừa nêu không biết diễn ra bao lâu, chỉ biết rằng ông Dương Chấn Kỷ đã đặt cọc một số tiền lớn để rồi dong xe về Cần Thơ chở lên 4 ngàn đồng bạc trắng “con cò” – tiền Liêng bang Đông Dương chính hiệu để rinh về quê nhà। Tay chủ tiệm cầm tiền rồi mà ngỡ như mơ. Chỉ một ngày sau đó, đích thân gia đình công tử Bạc Liêu đánh tiếng mua lại cặp ngà với giá gấp đôi. Quả là không có một thương vụ nào lại sinh lãi cỡ đó chỉ sau một ngày, thế nhưng cụ Dương Chấn Kỷ nhất định không bán. Một phần vì máu mê đồ cổ, một phần vì sĩ diện với tay chủ tiệm người Tây vốn coi người Việt như rơm, như rác. Cũng xin mô tả một chút cho bạn đọc được rõ. Cặp ngà này có một cái dài độ 1,9 mét, cái kia độ 2,2 mét. Dương lão gia đoan chắc, cặp ngà của ông Diệm để trong dinh Độc lập cũng chưa lớn bằng (?). Ông đưa tôi xem tấm hình đen trắng tuy hơi ố vàng như vẫn còn nguyên nét – hình chụp ông lúc trai trẻ đứng bên cạnh cặp ngà, ông to cao là thế nhưng cũng chỉ mới tới mức hai phần ba độ dài của chiếc ngà.Nhưng tiếc một nỗi, gia tộc họ Dương lại không có duyên để giữ cặp ngà. Những năm chiến tranh, để tránh Tây ruồng, tịch thu người nhà họ Dương phải đem đi vùi dưới ruộng ở đất Tầm Vu. Sau sợ bị hư, đánh liều chở về Sài Gòn gởi nhờ nhà một người bà con – bắt đầu cho chuỗi ngày “lưu vong” không có đường về của nó. Không biết, bằng tai mắt nào mà tướng Bảy Viễn lại biết tung tích và cho người đến Dương gia tộc đánh tiếng: “Ông Bảy không nài ép chuyện bán mua ở chỗ này. Nhưng thấy Dương gia lúc nầy coi bộ cũng túng thiếu tiền bạc lắm phải không. Thôi thì coi như thế chấp cặp ngà nầy cho ông Bảy rồi ông Bảy đưa tiền cho xài nghe chưa. Khi nào cần thì ông Bảy cho chuộc lại”. Tiếng là thế chấp nhưng số tiền mà đàn em Bảy Viễn để lại chỉ rất tượng trưng, không đủ uống trà. Dương gia tiếc đứt ruột nhưng cố nén vì không muốn mất mạng về tay đàn em của Bảy Viễn. Cặp ngà lại chu du theo Bảy Viễn về làm vật trang trí cho một Casino khét tiếng ở Vũng Tàu. Trớ trêu một nỗi, Bảy Viễn cũng chẳng có duyên giữ được của báu. Trong “chiến dịch Thoại Ngọc Hầu” đánh úp Bảy Viễn, tướng Dương Văn Minh của chế độ cũ đã tịch thu của quý đem về chưng ở Bảo tàng viện trong Thảo cầm viên. Và nó đã nằm yên vị cho đến ngày nay.



Dông dài nãy giờ, thể nào cũng có người sốt ruột muốn hỏi – vậy Dương lão gia là người như thế nào? Tôi chỉ vắn tắt một câu - ông Dương Minh Hiển đây chính là một ông già lãng tử còn sót lại của TK20. Nội việc ông gìn giữ ngôi nhà cùng các cổ vật đến vậy đã là chuyện dễ nể. Nhờ những nét xưa còn lưu giữ mà ngôi nhà cổ này từng được chọn làm phim trường cho bộ phim lãng mạn “Người tình” của đạo diễn J. Annaud cùng diễn viên chính Claude Berri sẽ nói ở phần sau. Nhưng riêng tôi lại nể ông ở một chuyện khác. Ông có một đam mê lạ lùng là sưu tập các đồng tiền cổ và cũng chỉ những đồng tiền được sản xuất vào năm 1926 – năm sinh của Dương lão mà thôi. Vào năm 1960, ông cho cất một cái chái nhà kế bên ngôi nhà cổ để làm chốn riêng. Nói là chái chứ nó có nhiều điều độc đáo vô cùng. Khắp nhà ông treo vô số đồng hồ cổ và vô số radio cũng cổ không kém phần. Mỗi cái ông rà sẵn một đài khác nhau, cần nghe kênh gì thì ấn nút radio đã định. Hơi rắc rối một chút nhưng ông bảo chơi vậy mới… sướng (!). Dương lão còn khoe, số điện thoại ông đang xài cũng là… đồ cổ. Thấy tôi hồ nghi, ông cười mà bảo – “Hồi 30 tháng 4, tiếp quản xong mấy ông quân báo đằng mình gíup tao kéo dây nói liền. Nội cả xứ này chỉ có nhà tao có cái máy điện thoại. Đâu như cái số hồi đó là 20137 – không phải đồ cổ sao bây”. Nghe vậy tôi chỉ còn có nước gật gù mà thôi।



Có lần tôi đánh bạo hỏi Dương lão một câu – “Vậy chớ hồi nào tới giờ, có chuyện chi mà lão gia thấy “chơi” chưa có đã không?”. “Nè, bây hỏi thì già này mới nói. Chừng nào mà nước mình chưa có quốc hoa, quốc tửu là già này nhắm mắt chưa yên nghen”. Theo ý của Dương lão thì “quốc hoa”, “quốc tửu” là nét văn hóa đặc trưng của một quốc gia không thể nào thiếu được। Lúc giặc giã thì không nói làm chi, giờ thời bình rồi phải nghĩ tới chớ. Nội như chuyện “quốc hoa” hễ nói tới Thái Lan, Singapore là nhớ hoa lan, nói Trung Quốc lại nhớ mẫu đơn, cúc lại là Nhật Bản… Nước mình chọn hoa gì đây. Miền Bắc thì khoái hoa đào, miền Nam thì nhất nhất chọn không hoa mai cũng phải là sen. Nghe đâu, khi các bậc học giả bàn tán chưa đâu ra đâu thì một anh nông dân đích thực bảo chỉ có hoa vạn thọ là đúng nhất. Anh ta lý giải, dân Việt mình bao đời nay từ chuyện cúng ngày rằm, mùng một cho đến Tết nhất nhà nào mà chẳng có một lọ vạn thọ. Nó vừa tượng trưng cho sự khang ninh, trường thọ lại vừa muốn chúc điều may mắn. Vậy là các bậc học giả một phen tóat mồ hôi trước một “luận thuyết” mới.



Hết chuyện hoa đến chuyện tửu Dương lão lại càng mê mẩn hơn। Có lần cao hứng, ông khoe ông đang có trong tay ngót 100 bài thuốc ngâm rượu nổi danh là “đệ nhất thiên hạ”. Từ toa “Ông uống bà khen” cho đến toa “Từ Hy Thái hậu” rồi lại là “Vương bất lưu hành” hiểu nôm na là vua đi không nổi uống vô biết liền – ông bảo ba cái Johnnie Walker của xứ Scotland hiểu trại ra là “Ông già chống gậy” thì làm sao bằng thứ này(?!). Nội chai rượu “Vương bất lưu hành” đã có bao chuyện ngỡ như đùa. Dương lão còn nhớ, hồi mới tiếp thu dưới tỉnh có dẫn mấy ông Tây chuyên nghiên cứu thảo mộc lên thăm ngôi nhà cổ. Nhưng đồ cổ chẳng hấp dẫn mấy ổng cho bằng chai “Vương bất lưu hành” của lão gia. Mấy tay này cứ tròn mắt lên khi nghe ông bảo thật ra đây là loại rượu gạo ngâm với… trái vú bò(!). Về bển rồi mấy tay này còn gởi thư nhờ Dương lão gởi qua cho họ một bao… vú bò để ngâm thử với Martel xem sao. Dương lão tình thiệt cắc ca cắc củm hái đầy nhóc một bao chỉ xanh. Có điều mấy ông chính quyền hồi đó biết tin đã cấm ngặt bởi lẽ… sợ lộ bí mật quốc gia (?). Trở lại chuyện “quốc tửu” ông bảo, gì thì gì phải là thứ rượu làm bằng nếp Bắc hột tròn nhỏ chính gốc. Cất rượu làm sao khi rót ra ly cứ sóng sánh như mật ong, lại phải sủi tăm li ti mới đúng cách. Ông bảo, uống một ly đó thì bao nỗi tự ti dân tộc trước Mao Đài tửu cho đến Cognac, Vodka thậm chí cả Whisky V.S.O.P. đi chăng nữa cũng tiêu tan tuốt tuột. Nhân bàn chuyện tửu, ông già lãng tử này mới đem ra hai chai rượu – bảo vật của gia tộc - trước là khoe sau để đãi tôi uống chơi. Một chai ông bảo ngâm theo toa “Từ Hy Thái hậu” nhưng độc chiêu ở chỗ ông bỏ thêm một bộ… ngọc dương cho phỉ chí. Chai thứ hai cao độ 4 tấc có tên… “Hải cẩu pín” thì khỏi phải nói. Vẫn còn đó giấy tờ, hình ảnh để minh chứng nguyên bộ… “pín” có độ dài bằng bình rượu vừa kể, gia chủ đã phải bỏ công mua tận bên Hồng Kông vào năm 1963. Từ bấy đến nay, cứ 3 năm Dương lão lại thay nước rượu một lần.



Thực hư câu chuyện như thế nào quả là khó bề phân định khi thời gian đã phủ lên một lớp bụi mờ। Duy một điều, khi được cầm tận tay bức ảnh ố vàng chụp cặp ngà voi, tôi cứ có một cảm giác gai gai người như dịp được tận tay sờ những cổ vật trục vớt giữa lòng đại dương trước đây. Và đằng sau những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng, vô phạt nầy là cái gì? Tôi chợt nghĩ, nếu một di tích mà thiếu những giai thoại, những giả định liệu nó có tồn tại một cái hồn riêng. Một giá trị tinh thần đủ để níu chân mọi du khách. Chuyện nước lũ, chuyện mối mọt gặm nhấm di tích còn dễ nhận ra, còn dễ lên tiếng, dễ trùng tu. Nhưng những câu chuyện như thế nếu không được ghi chép, không được nhìn nhận đúng mức như một phần của di tích thì liệu có nên chăng. Trong khi đó, những chứng nhân như Dương lão gia, như công tử Khánh thì phần đời còn lại cứ như đèn treo trước gió. Đến một lúc nào đó, người đời cảm thấy muốn “phủi bụi quá khứ” thì liệu có còn kịp nữa hay không (?!).



Chợt nhớ ! Tại số 33, Quảng trường Maubert, quận 5, Paris - nơi không cách xa mấy Nhà thờ Đức Bà – có một nhà hàng nhỏ nhắn với cái tên rất thuần Việt – Kim Liên। Nổi danh với món bún bò, gà nướng xiên đũa tre và cả vịt quay, vịt luộc chấm nước mắm. Lại thêm một điều khá lý thú khác – chủ quán chưa bao giờ cho thực khách biết nơi đây từng đón các sao gạo cội cỡ Catherine Deneuve, Daniel Auteril, Sandrine Bonnaire. Và trên tất cả, là những câu chuyện liên quan đến phim L’amant. Hoá ra, khi thực hiện bộ phim nổi tiếng này, để giúp Jean-Jacques Annaud “thấm đẫm” văn hoá Việt bà Marguerite Duras đã dẫn ông đến nơi này. Và cũng chính Annaud sau đó đã dẫn Brat Pitt đến nơi này để hiểu hơn về văn hoá Phương Đông trước khi đi Tây Tạng.



Lan man như thế, vì người viết chợt nghĩ đến một nơi mà Jean-Jacques Annaud từng đến và hơn thế – nơi này đã từng là phim trường của bộ phim lừng danh L’amant với những tên tuổi Jane March (cô gái trẻ người Pháp), Lương Gia Huy (anh chàng Hoa kiều) cùng bối cảnh làng quê Việt Nam năm 1929 vô cùng huyền bí, lãng mạn. Đó là ngôi nhà cổ 130 tuổi tại làng Bình Thuỷ, Cần Thơ với vị chủ nhân Dương Minh Hiển vốn là cháu nội ông Dương Chấn Kỷ – một địa chủ đã có công khai phá vùng quê Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20. Quả là Jean-Jacques Annaud đã có con mắt tinh đời khi chọn ngôi nhà cổ này để làm phim trường khi lối kiến trức của nó chứa đựng nhiều bí ẩn của buổi giao thời giữa hai thế kỷ 19 – 20 và là chứng tích của sự giao lưu văn hoá Đông Tây. Hỏi về những ngày tháng đoàn làm phim của Jean-Jacques Annaud đến đây, ông Dương Minh Hiển đã thốt lên: “Thiệt là hết sức vĩ đại”. Nhiều chi tiết mà ông còn nhớ, tỷ như chuyện cơm nước cho đoàn làm phim, họ đã nhọc công tốn 4 chiếc xe đông lạnh chở thức ăn và nước suối từ... bên Pháp sang (!)। Tính ra nội tiền nước suối đã đủ cho Việt Nam làm hẳn một bộ phim khá hoành tráng. Chi phí cho mỗi ngày nghe đâu lối 100 triệu đồng. Họ cũng mời hẳn nhà văn Sơn Nam đi theo để sắp xếp lại bàn thờ trong ngôi nhà cho phù hợp bối cảnh phim, hay để tư vấn một loại vải gấm để may màn. Nhưng vẫn chưa đáng nói bằng việc mời diễn viên đóng vai ông chủ Hoa kiều – cha của nhân vật mà Lương Gia Huy thủ diễn. Đoàn phim đã dò hỏi khắp khi Chợ Lớn để thuê cho bằng được một ông già Tàu nghiện á phiện thiệt thụ... (!). Hoặc để thực hiện bối cảnh một đêm mưa trắng trời trắng đất – đêm mà chàng trai Hoa Kiều (Lương Gia Huy) quỳ lạy cha mình xin lấy bằng được cô gái Pháp – họ đã căng vải trắng lên toàn bộ khu vườn rộng mất mẫu đất rồi dùng vòi rồng phun nước lên. Kết quả là khung cảnh thơ mộng não lòng mà khán giả đã nhìn thấy trên phim.



Nhưng hoá ra, L’amant vẫn chưa phải là bộ phim đầu tiên lấy ngôi nhà 130 tuổi này làm phim trường। Bộ phim đầu tiên là “Bão U Minh” vào năm 1985 của đạo diễn Lâm Mộc Khôn, quay phim Đường Tuấn Ba. Ông Dương Minh Hiển nhớ hồi đoàn làm phim về cả xóm cứ chạy lại coi mặt diễn viên rần rần. Thấy cảnh cậu Hai trong phim chạy xe Jeep, cảnh Việt Minh ám sát cậu Hai bằng súng ru lô dân tình lại xuýt xoa, chộn rộn y như thật. Và sau đó là một loạt phim khác khi đạo diễn Trần Phương chọn làm bối cảnh cho “Bẫy ngầm”, “Đội nữ biệt động mùa thu”, “Dòng sông hoa trắng”. Rồi hàng loạt các phim khác như: “Những nẻo đường phù sa”, “Công tử Bạc Liêu”, “Câu chuyện tình dòng kinh Phán”, “Vòng hoa Chôm pay”... hay loạt phim chuyển thể tác phẩm Hồ Biểu Chánh như “Nợ đời”, “Con nhà nghèo” hoặc “Chuyện cổ tích Việt Nam của Hãng phim Phương Nam.



Cái lý của họ khi chọn nơi đây vẫn là vì nó mang đậm dấu ấn văn hoá xưa. Riêng vị chủ nhân lại vô cùng ý nhị, lịch lãm khi tiếp đón. Ông không biết cách ra giá về thù lao khi chỉ biết tính theo tiền phòng khách sạn. Một ngày khoảng vài ba trăm ngàn gì đó cho... toàn bộ phim trường và cho cả trăm nỗi phiền toái khi hàng chục thậm chí hàng trăm người lạ sục sạo từng ngõ ngách ngôi nhà. Ngay cả bộ phim L’amant với chi phí 27 triệu USD cũng chỉ phải trả cho ông có 4 triệu đồng Việt Nam cho 10 ngày quay. Và cũng chỉ có ông mới đưa ra những nhận xét thật hóm hỉnh, xác đáng. Ông vẫn còn thấy buồn khi đoàn làm phim “Dòng sông hoa trắng” vẫn giữ phân đoạn phim cảnh hành quyết các cô gái biệt động Tây đô – từng cô gái bị treo trên từng chiếc đò đón từng phát súng – dẫu sau đó chuyển cảnh hoa sứ trôi trên sông nhưng đã không còn chất thơ. Hoặc với bộ phim “Chân trời nơi ấy” khi thấy nhân vật bá hộ mặc áo nâu, tay ngắn có túi kiểu miền Bắc, ông đã nói liền: “Mấy chú ơi, hổng phải mặc vậy. Hồi đó, ông nội tui mặc áo tơ tằm màu mỡ gà, nút bằng đồng đỏ lại đeo thêm sợi dây chuyền gắn đồng hồ quả quýt mới đúng bộ”. Mấy tay phục trang nhăn nhó: “Tiền đâu tụi con mua lụa Hà Đông ông già ơi”. Riêng cái cảnh, mấy chú nhóc đeo bao bố tuột từ trên xuống để lau cột nhà trong phim “Cây tre trăm đốt” thì ông già cười ngất: “Quỷ thần ơi, ai đâu mà làm kỳ cục vậy. Hồi đó, nhà tui mướn người trong ruộng ra lau bằng nùi giẻ với xơ dừa từng ly từng tý một đó chớ”. Hoá ra, chính vị chủ nhân này đã là một pho tư liệu sống về văn hoá Nam bộ xưa mà các đoàn làm phim ít khi quan tâm।



Dường như lần hồi máu làm phim đã ngấm vào Dương lão gia। Mới đây, ông đến tìm tôi và kể tôi nghe câu chuyện ông nội của mình vốn là một tay chơi đá gà có tiếng – đá gà vị nghệ thuật hẳn hoi. Dân Nam kỳ lục tỉnh hẳn còn nhớ tên tuổi của Tám Vịnh – người giàu nhất xứ Rạch Giá, bị mù mắt nhưng chỉ cần nghe tả hình dáng gà, nghe gà gáy, rờ cựa gà là có thể biết nó thắng thua thế nào. Và một cuộc đá gà với tiền độ đến 1 ngàn đồng bạc con cò lối những năm 1940 giữa Tám Vịnh và ông Dương Chấn Kỷ cùng một số địa chủ khác đã lập kỷ lục lúc bấy giờ. Dương lão gia chắc lưỡi bảo – giá như nó được lên phim (!).



Lại quay về bộ phim L’amant. Quá hài lòng về những bối cảnh tuyệt vời cho bộ phim, quá xúc động trước tấm thịnh tình vô vụ lợi của chủ nhân ngôi nhà, Jean-Jacques Annaud đã ướm hỏi món quà gì mà ông Dương Minh Hiển thích nhất. Thật hóm hỉnh, Dương lão gia đã liếc mắt về Jane March – Annaud cười phá lên mà rằng – “Ô là la, làm sao ông có thể đủ tiền để đảm bảo cuộc sống vương giả cho một cô đào”. Đùa vui một chút và Annaud đã lấy mảnh màn cửa bằng gấm nơi Jane March từng lướt qua để tặng cho Dương lão gia như để lưu một chút mùi hương của mỹ nhân (!). Và sau đó không lâu, khi bộ phim ra mắt Annaud đã tặng cho Dương lão gia một tấm áp phích bộ phim kèm theo những dòng thư rất nhiều tính từ. “Je suis ebloui par la splendeur spectaculaire de cette sublime demeure. J’espère pouvoir, grâce au cinéma, la faire connaitre autour de la Terre ! Mercci de votre accueil delicieux” – JJ. ANNAUD 27 Mars 1990



Và cũng như chủ nhà hàng Kim Liên tại Paris, ông Dương Minh Hiển rất ít khi kể ai nghe những câu chuyện này, mặc dù chính Annaud thú nhận, ông ta đã choáng mắt trước sự tráng lệ, kỳ vĩ của ngôi nhà và Annaud muốn nhờ vào điện ảnh để khiến khắp hành tinh biết đến nơi đây. Lại nhớ, vào ngày 29.1.2001, khi đến đây hoạ sĩ Lê Bá Đảng đã cho biết: “Nhà vườn và chủ nhân rất quý. Tất cả có thể trở nên hiếm có nếu chen vào đây mỹ thuật, văn hoá mới. Sẽ là thật cũ và thật mới thì quý hoá vô cùng. Và tất nhiên chỉ có văn hoá mỹ thuật và lòng người mới vĩnh viễn sang trọng”. Ý định của hoạ sĩ Lê Bá Đảng là sẽ đầu tư tiền bạc để có một cuộc triển lãm, trưng bày phía sau ngôi nhà cổ – những vật dụng như mô hình bồ lúa, bụi lúa, cái cày, con trâu... mà người ta có thể vào ngồi trong đó để hưởng thú vui ẩm thực. Chủ nhân đã suy gẫm rất lâu và rồi... chối từ ý định đó. Dường như với ông, cái văn minh tân tiến sẽ mãi không chạm được đến cửa ngõ căn nhà này. Cũng như chủ nhân của nhà hàng Kim Liên vẫn không muốn kiếm tiền bằng cách lăng xê kỷ niệm, kỷ vật để rồi lũ lượt những dòng du khách kéo đến – phá vỡ đi một không gian rất thuần Việt. Ông Dương Minh Hiển nói rằng ông rất thích một câu nói của Napoleon: “Tôi không cần biết anh làm gì nhưng khi anh sanh ra nơi nào anh chết nơi đó là anh đã thành công rồi”. Ông Hiển đã đạt được hơn thế với ngôi nhà thấm đẫm chất văn hoá phong lưu đặc sệt xứ Nam bộ xưa.

2 comments:

My Family said...

With Premiership sides allowed to sign one marquee player outside of the wage cap,Sightline Payments Kirk Sanford the World Cup will offer an opportunity for individuals to bag a big-money move to England, or sbobet possibly to France and Japan.

ktd said...

I am happy to see this post. It is really nice and useful for me. From many days i am searching for this type of article. This is a good post and is awesome.
skraplotterwinning lottery numbers