Friday, July 20, 2007

NHÀ TÂY Ở XỨ BẠC LIÊU XƯA

BaclieuPontTournant



BaclieuHotelInspection




Ngược dòng lịch sử, sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ, ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperrae ra nghị định phân chia 6 tỉnh Nam kỳ thành 19 tiểu khu hành chính. Và đến 18/12/1882, Thống đốc Le Myre Vilers ra nghị định lấy một phần đất của hai tiểu khu Sóc Trăng, Rạch Giá lập thêm tiểu khu Bạc Liêu với viên chủ tỉnh đầu tiên là Lamothe de Carrier. Đến ngày 20/12/1989, toàn quyền Paul Doumer lại đổi khu thành tỉnh - lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có hai quận Vĩnh Lợi và Cà Mau. Và dù cho Bạc liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam Kỳ khác, song với những đặc điểm riêng biệt vốn có, Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp lúc bấy giờ. Trong một báo cáo tổng quát cho Thống đốc Nam kỳ vào năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier đã cho rằng: “…trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn...”.
Có lẽ do vậy, khi thành lập tỉnh Bạc Liêu, chính quyền lúc bấy giờ đã tiêu tốn khoảng tiền 40 ngàn đồng để xây cất dinh thự, công sở. Thêm vào đó, Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Bằng đồng tiền bóc lột từ mồi hôi của tá điền, các đại địa chủ đã xây cất nên một loạt nhà ở hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây lúc bấy giờ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, Bạc Liêu chưa trở thành một đô thị lớn của vùng đồng bằng Nam bộ như lời “tiên đoán” trên 100 năm trước đây, song, những dãy biệt thự rêu phong, trầm mặc đã như một chứng tích vàng son của xứ Bạc Liêu xưa.

Không như một số tỉnh khác như Cần Thơ hoặc An Giang, hiện nay, ở xứ sở Bạc Liêu vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự được xây cất theo lối kiến trúc phương Tây. Chỉ có một số ít ngôi nhà bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Chính điều này đã tạo nên cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng. Nói đến Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến những tòa nhà của “Công tử” Bạc Liêu dọc theo bờ sông, nhớ đến công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm. Một số công trình kiến trúc đáng kể là Tòa Hành Chánh, Tòa Án, Dinh bố (nhà quan chủ tỉnh), nhà Huyện Sổn, nhà Hội đồngTrạch, nhà Hội đồng Điều, nhà ông Cao Triều Phát... Đến bây giờ người ta vẫn không biết đích xác những ngôi nhà này tiêu tốn bao nhiêu tiền của, chỉ biết rằng, toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch... đều được chuyên chở từ Pháp qua. Theo phỏng định của ông Ba Bé - Phó ty Kiến thiết trước đây - thì mãi đến những năm 30, 40 mới sử dụng gạch Phú Hữu (Đồng Nai). Nhưng dây chuyền công nghệ để làm nên gạch này cũng do người Pháp lắp đặt nên.
Điều đáng nói là loại trừ yếu tố vật chất, các kiến trúc sư người Pháp lúc bấy giờ đã đem lại một nét xây dựng khác hẳn, rất tiêu biểu và rất chân phương vào những năm đầu thế kỷ. Họ khai thác triệt để 3 yếu tố: cây xanh, ánh nắng, không gian. Đa số các ngôi nhà Tây xưa đều có không gian khoáng đãng xung quanh. Điểm lại một số biệt thự của tư nhân xưa, nay được sử dụng cho các cơ quan như: Thư viện tỉnh, Nhà trẻ mầm non, Viện kiểm sát, Báo Bạc Liêu... đều thấy rõ đặc điểm này. Đa số các ngôi biệt thự này dù lớn, dù nhỏ chí ít phải có trên 50 cửa sổ, cửa ra vào. Song, một bài học ở các kiến trúc sư người Pháp lại là “sự kết hợp hai yếu tố hiện đại và dân tộc vào kiến trúc”. Việc duy trì cái cũ khi xây dựng cái mới đã làm nên cái bản sắc độc đáo của mỗi vùng. Đa số các nhà Tây còn lại đều cho thấy việc tuân theo một quy tắc kiến trúc cổ điển: phần đằng trước đối xứng nhau, mái không phẳng và lợp ngói theo phong cách Đông phương. Và những yếu tố kiến trúc phương Đông này được các KTS người Pháp sử dụng tài tình. Tiêu biểu là mái ngói bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Chỉ vài nét đặc sắc như vậy đã làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa Bạc Liêu mang một sắc thái khác hẳn những “dấu ấn Tây” ở Sài Gòn, Hà Nội... mà đặc biệt là Đà Lạt đã “Âu hóa” hoàn toàn.
Điểm khác biệt ở một số ngôi nhà Tây ở Bạc Liêu - đa số là nhà của các đại điền chủ - là đã cải tiến lại, vẫn là 3 gian, 2 chái. Sảnh giữa nhà thường để bộ trường kỷ tiếp khách. Khi bước vào nhà của Huyện Sổn hay nhà của Hội đồng Trạch, chúng ta điều thấy rõ bên cạnh những phù điêu đắp cột, bao lam, gờ tường rất Tây lại là những cửa, những hương án, bình phong bằng gỗ cẩm lai, lim đen rất cổ kính. Điểm lạ là những nét nhấn này lại hết sức hòa hợp với nhau. Nét chung nhất của những ngôi nhà này vẫn là nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng đặc trưng. Bên trong nhà thường xuất hiện những hành lang, vòm trần cao vút. Hiện nay, các hoa văn trên vòm trần một số ngôi nhà vẫn còn giữa nguyên với màu sắc tươi tắn nguyên bản.
Ở giai đoạn vài mươi năm sau đầu thế kỷ, một loạt nhà khác được xây dựng nên bởi kiến trúc sư Việt Nam được Pháp đào tạo tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Họ đã bớt câu nệ những chi tiết, những mô phỏng cổ. Và chủ nhân của những ngôi nhà này lại là lớp trí thức “Tây học” nên cách xếp đặt, bài trí cũng khác hơn, mới hơn. Họ đã chú ý đến sân thượng, ban công, cách bố trí xếp đặt phòng khách. Hình khối kiến trúc đã không còn là khối phẳng như trước đây. Tiêu biểu là nhà biện lý Tòa Án, Chánh án tòa án (nay là CLB hưu trí, nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là trụ sở báo tỉnh), nhà bác sĩ Hào (nay là trường mẫu giáo)...
Nhưng xét trên bình diện chung nhất, dẫu đó là nhà tư nhân hay dinh thự thì vẫn hồ nước mưa rất lớn. Có lẽ khi đó, các KTS Pháp đã nghiên cứu rất nhiều về xứ sở phù sa, nước mặn này. Song họ không xây hàng loạt những hồ nước mưa theo hình khối hợp cứng nhắc. Ở nhà “Công tử” Bạc Liêu thì trên nóc dãy nhà gia nhân dài hàng mấy chục thước là hồ chứa nước mưa. Bên trên hồ trở thành sân thượng thông qua một sảnh lớn, nếu không tinh ý, sẽ không ai nhận ra nắp hồ. Hoặc ở nhà Huyện Sổn, bên trên hồ nước ở góc sân, chủ nhân đã cho xây lên một tháp canh sừng sững. Một số ngôi nhà khác, hồ nước mưa nằm bên dưới mặt sân bên ngoài. Nhiều hồ rất lớn, diện tích bên trên mặt hồ có đến vài ba chục mét vuông. Mỗi hồ nước mưa này có thể đủ để sinh hoạt cho một đại gia đình suốt năm. Chuyện Hội đồng Trạch cho xe kéo chở nước xài cho con mình mãi tận Giá Rai, có lẽ là chuyện thật. Những giai thoại về ăn chơi của xứ “công tử Bạc Liêu” đã khoác lên cho những dinh thự, biệt thự này một bí ẩn khác lạ. Theo dòng thời gian, rêu phong đã phủ đầy lên các khung sắt, gờ tường, nhưng những đường nét kiến trúc lạ lẫm vẫn cứ sừng sững giữa miền quê sông nước mênh mông. Nó vẫn là dấu hỏi thách đố những ai đang muốn “bóc” lại những nhát cắt lịch sử.
Đến tận bây giờ, những người dân Bạc Liêu, dù cố cựu hay tha phương đều xem quần thể kiến trúc này là một di sản tinh thần của riêng mình. Đó là niềm tự hào hay hoài niệm của người xa xứ. Điều họ tự hào là những quần thể kiến trúc ấy lại nằm giữa một vùng phù sa gần chót mũi Tổ Quốc - nơi vốn mệnh danh là xứ sở của những người đi khẩn hoang. Lịch sử đó đã trên một trăm năm nay. Nhưng cảnh hoang phế, rêu phong ấy liệu có xóa dần đi những nét đặc sắc riêng của Bạc Liêu hay không.
Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ. Điều đáng quí nhất, nó nằm tập trung theo một quy hoạch nhất định ở hai bên bờ sông. Và trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến năm 1945 - rất may là ít có nhà nào bị đập bỏ ở quy mô lớn. Thế nhưng , nỗi lo ở đây lại bắt nguồn từ sự không có ý thức, hoặc thiếu một hiểu biết, tôn trọng quá khứ nhất định. Đa số các ngôi nhà này đều được sử dụng làm công sở nhà nước. Nhiều cơ quan đã chỉnh sửa, phá vỡ nét kiến trúc ban đầu để phù hợp với công việc của mình. Sau năm 1975, Bạc Liêu đã nhiều lần tách nhập, hoặc di dời trung tâm tỉnh lỵ. Mỗi một lần như vậy, các ngôi nhà xưa lại có thêm chủ mới. Và điều kế tiếp, lại có thêm những chỉnh sửa mới. Tất cả đã trở thành một thứ “tả pín lù” không thể chấp nhận được. Nhiều ngôi nhà bị sơn phết, ngăn che, lắp rắp đến đau lòng. Ngay như ngôi nhà của công tử Bạc Liêu, nay đã được tô trét, đập phá nét xưa để hiện hữu cái gọi là “Khách sạn Công tử Bạc Liêu” chẳng còn gì nét xưa cũ.
Một nỗi lo khác lại từ việc quy hoạch đô thị. Một số người có tâm huyết với vốn văn hóa xưa đã nghĩ ngay đến việc quy hoạch một khu phố cổ - hiện giờ là trung tâm thị xã. Khu phố đó có thể từ ngã tư Quốc tế vòng quanh Bệnh viện, kéo đến rạp hát Cao Văn Lầu và hai dãy phố ven sông Bạc Liêu có cầu Quay bắc qua. Họ đã có lý khi nêu lên một nguyên tắc xây dựng đô thị của KTS người Đức J.Stuben - “phải biết tôn trọng quá khứ, không được thay đổi hay di dời cái trung tâm thành phố cũ mà chỉ xây dựng cái mới song song với cái cũ”. Sau khi tách tỉnh, Bạc Liêu đã có một quy hoạch tổng thể chung. Theo đó, khu trung tâm hành chánh sẽ riêng biệt với những con đường mới. Hiện trạng khu trung tâm hiện nay sẽ được giữ nguyên. Chưa kịp mừng, chỉ vài tháng sau, một trung tâm thương mại với những dãy nhà cao tầng xây dựng sừng sững kế bên công viên hàng me cổ kính. Và rồi, “Nhà dây thép” xưa đang bị đập bỏ, phá vỡ. Những cột móng bê tông đang để tập kết la liệt. Không hiểu một kiến trúc gì sẽ nằm giữa Tòa hành chánh, Dinh tỉnh trưởng cũ vốn rất oai nghiêm, trầm mặc.
Trước đây, khi xây dựng trụ sở Tỉnh ủy Minh Hải cũ (nay là trung tâm ĐH tại chức Bạc Liêu), kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã để lại một công trình đồ sộ, oai nghiêm nhưng vẫn hòa lẫn với không gian bên ngoài. Để rồi nó hòa nhập với các dinh thự kế đó thành một tổng thể mang tính nghệ thuật, đan xen giữa kiến trúc và cây xanh. Phải chăng, những dạng tổng thể như vậy đã bị co cụm, cắt xén trong thời buổi kinh tế thị trường. Chúng ta có thể quy hoạch lại một đô thị mới nằm song song, dẫu có muộn đi đôi chút. Song việc phá vỡ đi nét kiến trúc cổ liệu đến bao giời mới phục hồi, tái tạo. Những ngôi nhà Tây xưa, nó không có giá trị cao khi chúng ta chỉ xem xét phiến diện. Nó chỉ có giá trị khi được nằm trong một tổng thể chung. Và cái tổng thể này đã trở thành một giá trị tinh thần của xứ sở Bạc Liêu. Vùng đất này đang tính đến chuyện sẽ đi lên bằng thế mạnh du lịch. Nhưng liệu hôm nay chúng ta có cất cánh nổi không, khi vẫn còn những xâm phạm, những vết cắt vào những giá trị tinh thần của một quần thể vật chất xưa. Những ngôi nhà ấy ngủ quên đến bao giờ.

Thursday, July 19, 2007

LỤY TIẾNG TƠ LÒNG



Theo dòng chảy của những lưu dân khẩn hoang, phải chăng dòng nhạc cung đình Huế đã tiếp cận, giao thoa với dân ca, hò vè Nam bộ để sản sinh ra dòng nhạc đờn ca tài tử độc đáo। Luôn tiếp cận, thấm đẫm với thiên nhiên hào sảng nó đã có một hồn nhạc riêng, rất riêng…

"Cho đến nay, người ta có thể tranh cãi nhau về chuyện bao giờ và ai là người đặt viên đá đầu tiên cho nền ca nhạc cải lương đầy chất tài tử. 1910 với tài tử Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho chăng. Hay trước đó, 1900 với một Nhạc Khị lẫy lừng ở Bạc Liêu. Song, có một điều không thể phủ nhận, Cà Mau - Bạc Liêu phải là cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ". Ông đam mê nói và tôi kịp thấy một chút lửa vừa lóe trong đôi mắt đã già đục của lão nghệ nhân Lâm Tường Vân। Và tôi biết ông yêu đến độ nào mảnh đất ông đang sống. Ông nhắc đến những danh cầm, danh ca mà tên tuổi đã không chỉ dừng ở ranh giới xứ Lục tỉnh Nam kỳ. Từ một bản vọng cổ "Dạ cổ hoài lang" dây Bắc, nhịp tư của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - linh hồn của đờn ca tài tử cho đến ngón đàn kìm "ác liệt" nhất Nam kỳ của nghệ nhân Mười Khói. Từ cây violon độc nhất vô nhị của nghệ nhân Hai Thơm hay Năm Nghĩa chủ gánh hát Thanh Minh. Rồi thì nghệ nhân Ba Chột con hậu tổ Nhạc Khị tác giả của Liêu Giang, Ngũ quan, Tứ bửu lưu thành… cho đến Bảy Cao - người Bạc Liêu lên Sài Gòn ca vọng cổ thâu dĩa ASIA - mở ra kỷ nguyên ca vọng cổ thâu dĩa sau này. Những nghệ sĩ này thuộc nhiều giai tầng khác nhau nhưng chung nhất vẫn là một phong thái tài hoa, mã thượng. Chẳng vậy mới có tiếng "đờn ca tài tử" sau này.

… "Bài ca vọng cổ của người Bạc Liêu viết, nhạc vọng cổ người Bạc Liêu làm ra, người ca vọng cổ đầu tiên cũng là người Bạc Liêu.Hai lần ông Cao Văn Lầu kéo bầu đoàn thê tử đi thi, một vào năm 35, một nữa 38 - lần nào đội ĐCTT Bạc liêu cũng đứng hạng nhất…". Tôi vẫn nghe ông nói nhưng lại chợt nghĩ đến nỗi niềm đau đáu ông। Ông cứ như một người xót của khi nghe nghệ sĩ bây giờ ca một hơi dài lê thê khoe giọng, đàn một đoạn dài mấy nhịp không thôi. Hơn hai trăm bản bài ca nay chỉ quanh đi quẩn lại 4 câu vọng cổ, vài ba điệu lý. Buồn lắm. Và cũng từ cái buồn mà cách đây mười năm có lẻ ông đã bỏ công, bỏ của đi thu tiếng đờn, tiếng ca của các nghệ nhân thuộc thế hệ thứ hai. Ông xuýt xoa khi thấy ông Tám Ngà (Huỳnh Thiện Ngôn) râu tóc bạc phơ nằm trên võng ca mãn một hơi những bài Long đăng, Giang nam mùi mẫn. Mà cũng thật lạ, cứ như có một ma lực hoặc tổ nghiệp khiến hay sao mà những ông già ấy nhớ vanh vách ngót 20 bài bản tổ. Xàng xê 64 câu không cần coi bản, Đảo ngũ cung cũng vậy. Có bản đờn ca cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không quên. Bây giờ ông vẫn nhớ như in ngón đàn kìm của Ba Trinh, giọng ca chuẩn của Tư Thân. Rồi những Mười Xuân, Tấn Rạng. Người trẻ nhất lúc ấy đã ngót 70, riêng ông Năm Nhu thầy đờn hồi Pháp thuộc tuổi đã xấp xỉ 90. Cái nỗi sợ các nghệ nhân thế hệ thứ 2 mắt yếu, tay run lúc bấy giờ nay hóa thành sự thật. Người thì hóa ra thiên cổ, người không nghe nổi tiếng lên dây đờn. Chỉ có trên 34 bài ca, bản nhạc được ông thu là còn lại. Hóa ra đây lại là một giáo trình cho bộ môn đờn ca tài tử hiếm hoi nhất hiện nay.

…"Bản vọng cổ nó kỳ lạ lắm. Nó đã là máu, là thịt của dân Lục tỉnh Nam kỳ rồi. Giả dụ không có Tiến Quân Ca của Văn Cao đi chăng nữa thì cũng sẽ có bản khác, nhưng dứt khóat bất vọng cổ bất thành cải lương, mất đờn ca tài tử là mất hết…". Lão nghệ nhân Lâm Tường Vân vốn là dân cách mạng। Nhưng chuyện ông đến với cách mạng cũng đầy chất lãng tử. Lúc đó, mới 12 tuổi, mê tiếng đàn phím lõm, ngày ngày ông chèo ghe cho ông Mười Bường - một thầy đờn mù đi đờn ca, hát xướng - cũng chỉ cốt học được một làn hơi. Nào hay, ông già mù giả dạng đi rải truyền đơn chống Pháp. Và cũng chính người thầy mù này đã dạy ông bản xàng xê "Nâng cao ngọn cờ hồng" nhập môn để ông đi theo cách mạng. Những ý niệm dân chủ, nô lệ, phát xít đến được với chú bé mới qua lớp vỡ lòng lại chính nhờ những thanh âm xàng xê liu cống. Mà không chỉ nghệ nhân Lâm Tường Vân. Còn có biết bao nhiêu câu chuyện tương tự như vậy. Như chuyện của Thiếu tá Lê Mai Chương, ém quân ở Thanh Tuyền, Bến Cát, dù cho tàu chiến địch đầu đầy vẫn lội qua sông nghe đờn ca tài tử ở Củ Chi, Bến Dược. Hoặc nhà văn Trần Kim Trắc, lúc khoác ba lô đi lính Tiểu đoàn 307 lại mang theo ba lô ba thứ quý nhất: giọng ru của mẹ, trái tim người yêu và tâm hồn thấm đẫm làn điệu đờn ca tài tử. Các ông đều nhớ, có thời (những năm 45 - 48) vọng cổ bị cấm vì sợ ảnh hưởng tinh thần chiến sĩ. Vậy mà, đêm đêm anh em vẫn bơi xuồng ra đồng nước nổi Đồng Tháp Mười ca lén với đầy đủ lệ bộ ghi ta, sáo. Có chuyện vui mà có thật. Có chiến sĩ bị chính trị viên phạt chạy 10 vòng quanh cột cờ vì tội... lén ca vọng cổ. Vậy là, chàng ta vừa chạy, vừa ca: “Bon... bon... bon... văng vẳng tiếng chuông chùa”... (!). Riêng nghệ nhân Lâm Tường Vân, thời kháng chiến dù đã kinh qua các chức trách: trưởng công an xã rồi công an huyện nhưng vẫn... lén đi ca. Có đêm, chú chui vô chuồng trâu ca đến 2 giờ sáng, dù chỉ ít phút sau chú lại cùng đồng đội phải đi công đồn. Lạ một điều, trong những ngày ấy, nghệ nhân Lâm Tường Vân mới nghiệm ra một điều - càng đau thương, càng tang tóc lại càng căm thù; càng thất tình, càng bi luỵ lại càng yêu da diết. Cái thần tình, cái mùi rụng rún của đờn ca tài tử là vậy. Ngày cho ca trở lại, nghe nói các ông Ba Du, Tư Xe, Tám Danh đã giả bộ giọng ca của các nghệ nhân Bảy Cao, Năm Cần Thơ, Ba Nghĩa, Ba Trà Vinh... ca một bữa thiệt mãn nguyện. Nghệ sĩ ưu tú Công Thành còn nhớ, người xả cảng lệnh cấm chính là ông Nguyễn Văn Nguyễn. Ông Nguyễn đã đấu tranh phục hồi lại trong một cuộc họp Trung ương Cục. Và sau đó, gánh hát Lam Sơn đã dàn dựng tiết mục ca bài cổ bản vắn “Tôi đi bộ đội”.

Nghệ nhân Lâm Tường Vân đã bật khóc khi thấy một thanh niên đi cắt lúa mướn chỉ để kiếm tiền mua cây ghi ta phím lõm và một bộ tăng âm. Ông lẩm bẩm "Vậy là nó sống lại rồi". Với những mảnh tình si ấy tôi bỗng hiểu cội nguồn sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Phải chăng sự gắn bó máu thịt của con người Nam bộ hào sảng trên một nền âm nhạc dân gian phong phú đã tạo nên một hồn nhạc riêng độc đáo. Và không ở loại hình dân tộc nào mà đạo lý thầy trò Việt Nam, giữa thầy tuồng, thầy nhạc với môn sinh lại thiêng liêng đến vậy. Hãy khoan bàn đến chuyện cách tân hay giữ gìn bản sắc. Và cũng xin đừng bi quan vội trước sự du nhập của không ít dòng văn hóa khác. Chính những ngọn lửa bền bỉ của lão nghệ nhân ở độ tuổi thất thập cổ lai hy sẽ đủ cho ta một đức tin. Và nội cái mạch sống ngót trăm năm của bộ môn này cũng đủ cho ta choáng ngợp. Hồn Việt là đây mà quê hương cũng là đây.

Trải qua bao năm tháng, anh chiến sĩ năm xưa nay đã là nghệ nhân đờn ca tài tử. Dẫu tuổi cao sức yếu nhưng cứ thấy ông có mặt hầu hết các buổi thi đờn ca tài tử từ miền Đông đến Tây Nam bộ. Và trong ông, luôn đau đáu một nỗi niềm về sự phục hưng bộ môn nghệ thuật này. Có lần Nghệ nhân Lâm Tường Vân kể cho tôi nghe một câu chuyện đã xưa của ông với nghệ sĩ lão thành Bảy Cao. Theo đó, vào năm 1935 hay trước đó không lâu lắm, nghệ sĩ Bảy Cao cùng với nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa rủ nhau lên Sài Gòn giao du. Thật không may, mới đến Cần Thơ ông Bảy lâm bệnh thương hàn phải nằm nhà thương đành để ông bạn đi một mình. Ông Lư Hòa Nghĩa mà tên gọi bình dân trong giới là Năm Nghĩa vốn là thân sinh của cố nghệ sĩ Thanh Nga và nghệ sĩ Bảo Quốc bây giờ. Theo những đoạn hồi ức của lão nghệ sĩ Bảy Cao thì lúc bấy giờ nào phải tự dưng ông Năm Nghĩa đơn thương độc mã lên chốn phồn hoa đô hội. Mối bất hòa, lục đục với người vợ đầu tiên ở chốn Bạc Liêu đã là nguyên cớ để ông ra đi. Và chính bài ca tài tử vọng cổ nhịp 8 “Văng vẳng tiếng chuông chùa” được ông sáng tác từ chính nỗi buồn của mình. Hãng dĩa ASIA lúc này chưa có tiết mục vọng cổ, nghe tiếng đồn khen ngợi hết mực của giới mộ điệu đã đích thân mời ông Năm Nghĩa ca cho hãng thu thanh. Cố nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa đã ca bài vọng cổ nói trên với tên bình dân trên dĩa là Năm Nghĩa. Chẳng bao lâu, dĩa hát nói trên bán chạy ngoài sức tưởng tượng bởi theo nghệ nhân Lâm Tường vân thì “thể loại hoàn toàn mới lạ lại hay, với giọng ca luyến ngọt ngào và nội dung thật là thương hại cho nhân vật bài ca ấy”. Điều trớ trêu, vợ ông Năm Nghĩa vốn là người Hoa kiều chuyên buôn bán ở xứ Bạc Liêu thuộc loại dân có tiền sắm máy hát để trong nhà. Bà Năm đã mua đúng dĩa có bài ca ấy và đã xúc động, ân hận tìm lên Sài Gòn khóc lóc xin được “nối lại tơ tình”. Câu trả lời của ông Lư Hòa Nghĩa lúc bấy giờ với bà vợ đầu tiên của mình là: “Anh và em như hai thái cực khác nhau. Em lo làm giàu, anh lo nghệ thuật thì không thể nào sống chung trọn đời được. Vả chăng bát nước đã đổ đi không hốt lại trọn bao giờ”. Nghe đâu sau lần gặp đó, bà Năm đã về quê đập nát dĩa hát ấy cũng như dứt một mối tơ lòng. Riêng ông Năm Nghĩa sau đó đã sáng tác thêm bản vọng cổ thứ hai “Quằn quại gánh nợ đời” với câu 1 như sau – “Quằn quại gánh nợ đời. Tôi muốn trả cho xong nhưng sao nó cứ còn vay thêm mãi”. Câu ca cứ như một nghiệp dĩ đã vận vào suốt cuộc đời tài tử của ông Năm.।Và cũng theo lão nghệ nhân Lâm Tường Vân thì chỉ có ông Năm Nghĩa mới là người đầu tiên được thu dĩa hát ASIA। Riêng đến năm 1938, nghệ sĩ Bảy Cao mới từ Bạc Liêu lên Sài Gòn ca vọng cổ với bản “Viếng mồ bạn” với một chất giọng nam cao sắc sảo. Theo nghệ nhân Lâm Tường vân, cũng từ đây kỷ nguyên ca vọng cổ thu dĩa ở miền Nam mới trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết.

Song điều mà ông Lâm Tường Vân trăn trở nhất trong lá thư gởi tôi lại là những nghi vấn chưa được sáng tỏ. Ông cho rằng, vào khoảng thời kỳ 1935 ấy có thêm hai nghệ sĩ ca vọng cổ thâu dĩa là Hồng Châu và Thái Văn Phồi với hai bài “Nhân đạo ở đời” và “Cộp cộp kìa ai gõ cửa”. Ông phụ chú đậm nét: “… lúc tôi nghe dĩa hát này thì chỉ mới 11 tuổi, đâu biết điều gì cần nhớ để hôm nay nói lại cho đúng với sự kiện lịch sử nghệ thuật…”. Và trong một lần trao đổi gần đây với phóng viên Thanh Niên, các nghệ nhân lại ôn cố nhiều đến những nam, nữ kịch sĩ lừng danh không chỉ trong giới hạn xứ công tử Bạc Liêu xưa। Những cô Ba Vàm Lẻo, cô Hai The, cô Ngọc Cầm… những nghệ nhân Kim Thanh, Ngọc Vĩnh, Ngọc Dương, Sanh Lợi, Văn Chương, Đỗ Lộc Châu, Ba Khuê. Rồi một soạn giả Mộng Vân với những “Tân Xá Phỉ”, “Phong Nguyệt”, “Sơn đông hướng mã” mang hơi hướng cổ nhạc thanh tân. Rồi một soạn giả Trịnh Thiên Tư với vở tuồng lịch sử đầu tiên “Hận tình” với việc phổ biến dây bắc 12 câu, nhịp tư lơi. Các nghệ nhân còn nhắc nhiều đến một cái chết đau lòng vì bệnh phong của “hậu tổ” Nhạc Khị lừng danh, hoặc một nghệ nhân Bảy Kiên khét tiếng phong tử hào hoa đã mấy lần nương nhờ cửa Phật nhưng rồi không dứt được kiếp cầm ca. Còn nhớ “hậu tổ” Nhạc Khị sử dụng 4 món nhạc khí cùng lúc: Đẩu, Bạc, Kèn, Phách. Dịp vua Thành Thái vào Nam Kỳ - lúc này đã rơi vào tay Pháp - Nhạc Khị đã sáng tác bài “Ngự giá đăng lâu”, “Ai tử kê” - mượn chuyện tiếc thương đàn gà con vừa mất để cảm thán nỗi lòng. Riêng với nghệ nhân Ba chột, con Nhạc Khị lại chuyên đờn đoản, đờn sến, tác giả của nhiều bài bản nổi tiếng: Thuấn Hoa, Liêu Giang, Mẫu Đơn, Huỳnh Ba, Vạn Thọ, Hoà Duyên, Cảnh Xuân, Tam Quan Nguyệt, Nhựt Nguyệt...

Tất cả những câu chuyện vừa nêu dường như đang bị một lớp bụi mờ thời gian che phủ. Vấn đề được nhắc đến ở đây không chỉ là một thái độ lao động hết sức nghiêm túc của những lão nghệ nhân già ở độ tuổi như ngọn đèn hắt hiu trước gió của ông Lâm Tường Vân, của Ban nghệ nhân đàn ca tài tử Cà Mau. Song chúng tôi chợt nghĩ, rồi có còn ai nối theo nghiệp dĩ của các nghệ nhân già vừa kể hay không. Rồi có còn một ai một đời đau đáu đi tìm, đi chắt mót từng mẫu ký ức xưa hay không. Trong khi đó, vốn quý của một dòng đờn ca tài tử vốn mênh mông vô kể mà cuộc đời các nghệ nhân còn sống vốn ngắn vô cùng.

Tuesday, July 10, 2007

Chuyện về ngôi nhà cổ 130 tuổi ở miền Tây




Trên mảnh đất Nam bộ, những ngôi nhà cổ xưa có lẽ phải còn tồn tại đến hàng trăm cái। Trải qua bao dâu bể, những ngôi nhà ấy dường như đã nhuộm đặc một màu thời gian, lặng lẽ đứng trầm mặc suy tư ở một nẻo đường, một dòng kênh đặc quánh phù sa nào đó. Mỗi một ngôi nhà là một tác phẩm kiến trúc có giá trị mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước. Và điều hấp dẫn, lý thú nhất lại là những câu chuyện, những giai thoại của những nhân vật, những thế hệ đã sống và đã tạo nên hồn vía cho những ngôi nhà cổ xưa này.



Một trong những tác phẩm kiến trúc cổ xưa tài hoa được gìn giữ khá nguyên vẹn chính là ngôi nhà cổ 130 tuổi của gia tộc họ Dương tại đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ.

Tôi có một cơ may là hay được hầu chuyện và hầu rượu với ông Dương Minh Hiển - chủ nhân của ngôi nhà cổ Cần Thơ। Tuy sở học không được là bao nhưng đã thành tật, cứ mỗi khi đi đâu thấy đồ cổ – mà thật ra nó có cổ hay không tôi cũng chẳng hay – mắt tôi lại sáng lên, trong bụng thèm muốn vô kể. Ngặt nổi, những đứa viết lách như tôi lương thì ít, bổng lộc lại càng không - lấy đâu ra tiền mà chơi đồ cổ. Tôi bỗng nghiệm ra một điều - chi bằng mình cố kết thân với… những tay chơi đồ cổ. Ít ra cũng được một cái thú cầm tận tay, nhìn tận mắt những bảo vật bao đời… của người ta (!). Thế nên, mặc bạn bè rủ rê tiệc tùng ở đâu đâu cứ hễ Dương lão gia nhắn nhe lên chơi là tôi bỏ tất tật mọi thứ. Kể cũng đáng công, khi người mà tôi có cơ may được hầu rượu lại là chủ nhân của ngôi nhà cổ nhất miền Tây – Tết này đã tròn 130 niên. Gốc tích ngọn nguồn về ngôi nhà cổ và gia tộc họ Dương qua lời kể của Dương lão gia là vầy.



Gia tộc họ Dương vốn gốc ở Nha Mân, Đồng Tháp trôi dạt đến đất Bình Thủy, Cần Thơ sinh cơ lập nghiệp cách đây đã mấy trăm năm có lẻ. Họ được coi là người có công “khai thiên lập địa” ở xứ này. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ 19, gia tộc này trở nên giàu có. Chủ nhân bấy giờ là ông Hội đồng Ba bèn bỏ công, bỏ của ra cất một ngôi nhà để… chưng đồ cổ coi chơi (?). Ngôi nhà này được xây dựng mãi từ năm 1870 trên khuôn viên ngót 8 ngàn mét vuông. Dương lão gia bảo với tôi rằng, hồi đó ở xứ này có một ông thầy tên Ba Nghĩa – nhưng dân dã trong vùng quen gọi là ông thầy Lỗ Ban - cất nhà đẹp lắm. Điều đáng nói là ông ta hơi dị hình, dị tướng. Ông cao chỉ độ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như… một dấu hỏi. Tư niên mãn mùa, ông ở trần vận độc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót. Hai món vật bất ly thân của ông thầy Lỗ Ban này là một cái nẻ mực và một chiếc rìu. Chỉ với hai bảo bối đó, ông thầy đã đẻo không biết bao nhiêu cây cột lim tròn vành vạnh. Nhưng với gia tộc này, cất nhà phải đẹp hực hỡ là chuyện đương nhiên phải vậy. Điều kiện kèm theo đó được ông Hội đồng Ba đưa ra lại khá ngặt – “Thầy cất nhà cho tôi đẹp hực hỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”. Ông thầy Ba Nghĩa nghĩ ngợi hồi lâu rồi bảo – “Ngặt nổi cái nghề này, miễn gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”. Ông Hội đồng phẩy tay nói nhẹ hều: “Ậy ậy, đừng lo. Tôi bảo đảm với thầ,y mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”. Thực hư của cái hợp đồng xây dựng kỳ dị đó thể nào thì không biết, có điều dân quanh vùng đồn thổi rằng khi lên đòn dong ông thầy Lỗ Ban có ếm bùa, bỏ ngải Hội đồng Ba mới giàu đến vậy. Nhưng gạt qua một bên những câu chuyện nhuốm màu kỳ bí đó thì phải công nhận ông thầy Ba Nghĩa quả là nghệ nhân khi chỉ với cây rìu đẽo lại cất được một ngôi nhà 5 gian, bề ngang đến 20 mét mộng mẹo khít rim. Nghe đâu, việc cất nhà đã kéo dài đến 20 năm ròng rã mới xong. Ngay cả bộ trường kỷ để ngay trước án thờ vốn là kỷ vật của ông Dương Chấn Kỷ - ông nội của Dương lão gia - để lại cũng là món đồ cổ vô giá. Để có bộ ghế bằng gỗ lim này một nghệ nhân người miền Nam đã phải chạm các chi tiết rồng phụng chính xác đến từng milimet một. Bộ ghế lớn là vậy, nặng là vậy nhưng chân ghế chỉ nhỏ bằng cườm tay con nít. Riêng thợ cẩn xà cừ lại là một nghệ nhân miền Bắc thời đó tên Đồng Văn Chiếm đảm trách. Trải qua hơn trăm năm nay nhưng những vẩy xà cừ cứ óng ánh ngũ sắc hực hỡ. Cũng như các ngôi nhà đại địa chủ khác ở xứ lục tỉnh, chủ nhân của ngôi nhà cổ này cũng thuê mướn nghệ nhân dụng công làm nên hàng bao lam nối các cột lim trước án thờ. Nhưng điểm độc đáo mà tôi chỉ mới thấy ở đây đó là các họa tiết trên bao lam không hề có những điển tích Trung Quốc xưa như thông lệ. Toàn bộ các chi tiết trên bao lam này đã thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã của chính lưu dân khẩn hoang. Từ con cua, con gà, con tôm, con cá cho đến cành trúc, lùm cây hết sức dân dã. Cảm hứng chủ đạo của các nghệ nhân phải chăng muốn ca ngợi cảnh yên bình của nông thôn xứ Đàng Trong lúc bấy giờ.rở lại với chuyện đồ cổ. Di vật của ông Dương Chấn Kỷ còn để lại là một bức ảnh truyền thần hiện được treo trang trọng ở sảnh giữa gian nhà. Điểm độc đáo ở chỗ, bức truyền thần này được đúc bằng sành tráng men với những chi tiết thật như ảnh chụp bây giờ. Bên trái bức ảnh có hàng chữ Hán Nôm tạm dịch sơ là: “Đề Ngạn An Nam Tường Nguyên Án Tạo”. Người ta bảo công nghệ làm ra những bức ảnh bằng sành tráng men như vầy chỉ có ở Pháp và Trung Quốc từ cuối TK 18. Nhưng với dòng chữ hiện còn lưu giữ ấy tôi lại hồ nghi, chẳng lẽ nghệ nhân Bến Nghé lại làm được hay sao. Nếu quả vậy thì đây là một vấn đề đáng để nghiên cứu. Bức ảnh này đã trãi qua bao biến cố, có lúc gia tộc phải chôn xuống bùn để tránh bom đạn nhưng vẫn không mảy may suy suyển. Gia tộc này cũng còn lưu giữ rất nhiều chung, chén, dĩa… toàn bộ đều là đồ nội phủ, ngoạn ngọc. Cổ nhất phải kể đến cái chén Tuyên Đức Niên Phụng từ đời Minh có niên đại 572 năm, một độc bình Thành Hóa Niên Chế với ngót… 533 tuổi. Rồi một độc bình men lam khác rất độc đáo với những họa tiết phỏng theo điển tích “Tam cố thảo lư” – Lưu Bị ba lần đến lều tranh rước Khổng Minh. Rồi một chiếc lư đồng có 3 chân vạc và 2 đầu nghê rất khó đoán niên đại. Có điều dưới đáy lư có một dấu triện 6 nét thuộc loại “Đại triện tối cổ”. Nhưng món đồ mà tôi hay mân mê mỗi khi có dịp lên nhà Dương lão gia lại là một chiếc lư đồng mắt tre vô cùng tinh xảo. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, thì ngoài chiếc lư mắt tre ở chùa Vĩnh Triều Minh ở Bạc Liêu thì xứ lục tỉnh chỉ còn chiếc này nữa mà thôi. Cũng trong tiệc rượu lần này, Dương lão khoe tôi một chén cổ, ông bảo ông sắp tặng bảo vật này cho một người bạn thân nên đem ra ngắm nghía lần cuối. Cái chén đã có màu thời gian – điểm đáng ăn tiền của đồ cổ. Nhưng đáng nói hơn trên cái chén ngoạn ngọc này ngoài những họa tiết điển tích lại là 4 câu thơ trong bài thơ Đường tứ tuyệt “Đằng Dương Các Tự” của Vương Bột. Tạm đọc là: “Đằng Dương cao các lâm giang chữ. Bội ngọc minh loan bãi ca vũ. Hội đống tiêu phi nam phố vân. Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ”. Ngắm nghía hồi lâu, tôi chỉ biết chắc lưỡi tiếc thầm cho Dương lão – Độc đáo đến vậy mà cho về nhà người hay sao !



Lai nói về công tử Cần Thơ một thành viên của ngôi nhà cổ. Quả là hồi nào tới giờ, tôi chưa nghe kể nhiều, cũng như chưa biết ngọn ngành một giai thoại nào về ông ta. Nhưng những lão già cố cựu ở đất Long Tuyền vẫn còn láng máng nhớ chừng. Công tử Cần Thơ, tục danh là Dương Văn Quảng – con của ông Dương Lập Cang, người sáng lập ra ngôi đình Bình Thuỷ nổi danh không kém. Ông Dương Minh Hiển gọi ông Dương Lập Cang là nội Hai. Do lúc về già, ông Dương Văn Quảng có làm Hương Cả nên dân cố cự xứ nầy hay gọi là ông Cả Quảng hơn là công tử Cần Thơ. Ôâng nầy vốn là một tay kinh doanh giỏi, có đầu óc tổ chức nhưng cũng là một tay ăn chơi có hạng, lại sẵn máu “ai có gì mình có nấy”. Tỷ như chuyện bỏ ra bạc ngàn Đông Dương để mua một chiếc “Rờ nôn lỗ mũi xẹp” – xe Renault – chạy chơi cho sướng(!). Nên nhớ, trào đó ở xứ Cần Thơ xe Huê kỳ chỉ đếm trên đầu một bàn tay. Ông quan chủ tỉnh có một chiếc, hai ông quan Tây sở hữu hai chiếc, kế đến chỉ có công tử Cần Thơ nhà mình.Lúc đó, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, con đại điền chủ Trần Trinh Trạch cũng đã khét tiếng như một tay ăn chơi phong lưu nhất hạng. Lại thêm có máu ăn thua – ai có cái gì mình phải có cái nấy, thậm chí cái của mình phải lớn hơn cái của thiên hạ (!). Chuyện Hắc công tử – biệt danh mà thiên hạ thời đó gán cho để dễ phân biệt với Phước Georges, Bạch công tử xứ Mỹ Tho – giựt dây Trần lão gia để sắm xe Huê kỳ, sắm trực thăng, ca nô đã trở thành giai thoại đến giờ. Thói phong lưu nhất hạng đó đã khiến Hắc công tử khi ra đường chỉ biết hếch mặt nhìn trời mà bước. Số phận dun dủi thến nào lại có dịp cho hai “ông trời” kể trên đụng độ nhau giữa ban ngày, ban mặt. Chuyện xảy ra đâu như lối những năm 20, 30. Số là hồi đó cầu Cái Răng chưa to lớn, hực hỡ như bây giờ. Nó chỉ là một chiếc cầu sắt đủ cho một chiều xe lưu thông. Nhưng được vậy là sang cả lắm rồi. Còn nhớ, trào những năm 1890, Cần Thơ chỉ có hai nhà dây thép và 2 chợ thuộc loại có tiếng, một ở trung tâm Cần Thơ và một ở Cái Răng thuộc làng Thường Thạnh, tổng Định Bảo. Nhắc thêm một chút mới biết cái phồn thịnh của xứ Cái Răng bấy giờ. Cứ như thông lệ, xe pháo hai bên trước khi qua cầu phải nhìn trước, ngó sau để nhường đường. Đằng này, cả hai chiếc một Renault một Peugeot cứ nhấn ga phóng hết tốc lực để rồi chẳng ai chịu nhường ai ở… ngay giữa cầu (?). Nói nào ngay, xe của công tử Cần Thơ đã chạy qua đâu được 7 phần thân cầu rồi thế nên Cả Quảng mới hầm hầm mở cửa xe xấn tới để đòi “Đánh chết mẹ cái thằng nào dám chắn đường xe của ông”. Nói là làm, công tử Quảng thoi ngay vào mặt Hắc công tử। To chuyện hơn ở chỗ, bàn tay công tử Quảng đeo chiếc cà rá nhận hột xoàn hơi to nên đã… để thẹo, máu chảy ròng ròng trên mặt công tử Bạc Liêu. Sau nầy, khi biết chuyện gia tộc họ Dương đã phải thở dài bảo nhỏ, nếu biết đó là công tử Bạc Liêu thì đã nhịn cho qua chuyện. Nghe đâu, hồi đó cũng lớn chuyện dữ. Cò bót lập biên bản tới lui chỉ để kéo xe cho hai công tử; xe đò lục tỉnh thì bị kẹt đường mất mấy ngày. Riêng hai công tử nhà ta kiện nhau ra Tòa Chánh bố năm lần, bảy lượt. Vụ kiện kéo dài cả năm trời. Đúng là chuyện xui của công tử Cần Thơ.



Tôi đem chuyện nầy hỏi lại công tử Khánh – cháu kêu công tử Bạc Liêu bằng cậu ruột, xem thực hư thể nào. Ông cười lớn bảo: “Chuyện đụng độ, ăn thua như vầy của cậu Ba tui nhiều lắm, tui không nhớ hết. Mà dám có lắm à nghen, trào đó ổng đang đeo đuổi cô Ba Trà huê khôi Nam Kỳ đang trú ngụ đất Cần Thơ mà. Tui độ chừng, chắc là có người đẹp đi cùng nên ổng mới giựt le cỡ vậy đó cô”. Tôi ngớ người ra vì những sự kiện ngẫu nhiên dồn dập đến. Hóa ra, xứ lục tỉnh lúc đó người đẹp nhiều không kém đất Sài Gòn. Nếu ở Sài Gòn có cô Ba Pho, tên Tây của cổ là Rosalie – chủ một nhà may trên đường Sabourain, rồi cô Marie Huê chủ quán cơm “Đông Pháp lữ quán” đường Espagne, rồi cô Ba Cù là, cô Lucie Bandeau thì xứ lục tỉnh nào có kém cạnh. Từ cô Chánh “Bẹt tăng” vợ của nhất hạng tham biện Giudicelli, chủ tỉnh Sóc Trăng cho đến cô Năm Cần Thơ, cô Sáu em công tử Bích xứ Trà Vinh, cô Bảy Hột Điều, cô Tư Nhị từ Nam Vang xuống. Nhưng sáng giá nhất vẫn là cô Ba Trà, huê khôi số một đất Nam kỳ. Người mà cụ Vương Hồng Sển lúc trai trẻ đã phải “cung kính” chắc lưỡi, hít hà mà rằng: “Thưa cô Ba, trong mắt tôi, trong hồn tôi, đối với tôi, cô vẫn luôn luôn, vẫn là người đẹp khuynh quốc, khuynh thành. Tiếng rằng, cha mẹ cho tôi lên đây để ở nội trú, để xôi kinh, nấu sử. Mà xôi và nấu đâu không thấy, đêm nào như đêm nấy, tôi chỉ mơ mộng tưởng nhớ hình dung cô Ba”… Than ôi cho Vương lão gia đáng kính (?!)। Lại trở về mạch chuyện cũ nãy giờ. Lúc đó, cô Ba Trà đang là tình nhân của Phước Georges nhưng lại thêm tật hay vờn cậu Ba Huy – Hắc công tử. Bộ ba nầy hay hẹn nhau ở đất Tây đô để ăn chơi cho thỏa chí tang bồng. Theo hồi ức của cụ Vương Hồng Sển thì: “Hai công tử trổ tài hào hoa, phong nhã với cô Ba, mướn phòng khách sạn Bungalow đánh bài tay ba, chia xong dành nhau chung tiền. Cô Ba gom tiền không hết. Nhưng đụng chạm nói chuyện chơi thì có mà… không có chuyện kia” (?). Sự thực có như ý của Vương lão không thì chưa biết, có điều nói nào ngay cô Ba Trà dẫu biết Cậu Ba lúa thiên, lúa lẫm ngặt nỗi lại chê chuyện Cậu Ba đen đúa, quê mùa. Dẫu Cậu Ba đã cố đeo mắt kiếng gọng đồi mồi, mặc áo nỉ, chơi xe sport như một tay phong lưu nhất hạng. Nghe được bấy nhiêu chuyện cũng đáng cho một cuốc xe lôi lọc cọc mười cây số lặn lội lên Bình Thủy.



Tôi khoan khoái nhủ thầm trong bụng và tiện chân bước tới, bước lui ngắm nghía đồ cổ của Dương lão gia. Bất thần lão gia gọi giật: “Ậy ậy, bây đừng có ngồi lên bộ tràng kỷ bên góc phải nghe chưa”. “Ủa, bộ chân nó bị mục hả lão gia”. “Một trăm năm nữa, mối mọt còn chưa ăn thua. Tao hổng cho bây ngồi lên bởi vì trào trước, đây là chỗ để cặp ngà voi – hổng chừng lớn nhất Việt Nam – ngự lên. Linh thiêng lắm bây "। Tuy lão gia chưa kể tường tận gốc tích cặp ngà nhưng tôi cũng nghe loáng thoáng là vầy. Cụ Dương Chấn Kỷ vốn có một đam mê lạ lùng với việc sưu tập đồ cổ mặc dù trông bề ngoài của cụ không ra vẻ tay chơi mấy. Ấy mới sinh chuyện về sau. Số là trong một dịp về Sài Gòn xem mấy cái chành lúa, tiện đi ngang qua đường Catinat, ông vào xem chơi một gian hàng bán tiêu bản thú vật của một tay chủ tiệm, thợ săn người Pháp. Tay nầy thấy ông già mặc đồ bà ba, tay cắp bị bàng cứ đứng mân mê cặp ngà voi bèn nạt lớn – “Nè ông già, đây không phải là chỗ chơi của ông đâu. Lỡ tay ông có làm trầy xước nó thì bán cả gia sản cũng không đủ thường bồi cho tôi”. Liếc nhìn tay chủ tiệm bằng nửa con mắt, cụ Dương Chấn Kỷ thủng thỉnh hỏi lại: “Cỡ bao nhiêu mà dữ vậy chú em. Nói qua nghe thử coi”। Tấn hài kịch vừa nêu không biết diễn ra bao lâu, chỉ biết rằng ông Dương Chấn Kỷ đã đặt cọc một số tiền lớn để rồi dong xe về Cần Thơ chở lên 4 ngàn đồng bạc trắng “con cò” – tiền Liêng bang Đông Dương chính hiệu để rinh về quê nhà। Tay chủ tiệm cầm tiền rồi mà ngỡ như mơ. Chỉ một ngày sau đó, đích thân gia đình công tử Bạc Liêu đánh tiếng mua lại cặp ngà với giá gấp đôi. Quả là không có một thương vụ nào lại sinh lãi cỡ đó chỉ sau một ngày, thế nhưng cụ Dương Chấn Kỷ nhất định không bán. Một phần vì máu mê đồ cổ, một phần vì sĩ diện với tay chủ tiệm người Tây vốn coi người Việt như rơm, như rác. Cũng xin mô tả một chút cho bạn đọc được rõ. Cặp ngà này có một cái dài độ 1,9 mét, cái kia độ 2,2 mét. Dương lão gia đoan chắc, cặp ngà của ông Diệm để trong dinh Độc lập cũng chưa lớn bằng (?). Ông đưa tôi xem tấm hình đen trắng tuy hơi ố vàng như vẫn còn nguyên nét – hình chụp ông lúc trai trẻ đứng bên cạnh cặp ngà, ông to cao là thế nhưng cũng chỉ mới tới mức hai phần ba độ dài của chiếc ngà.Nhưng tiếc một nỗi, gia tộc họ Dương lại không có duyên để giữ cặp ngà. Những năm chiến tranh, để tránh Tây ruồng, tịch thu người nhà họ Dương phải đem đi vùi dưới ruộng ở đất Tầm Vu. Sau sợ bị hư, đánh liều chở về Sài Gòn gởi nhờ nhà một người bà con – bắt đầu cho chuỗi ngày “lưu vong” không có đường về của nó. Không biết, bằng tai mắt nào mà tướng Bảy Viễn lại biết tung tích và cho người đến Dương gia tộc đánh tiếng: “Ông Bảy không nài ép chuyện bán mua ở chỗ này. Nhưng thấy Dương gia lúc nầy coi bộ cũng túng thiếu tiền bạc lắm phải không. Thôi thì coi như thế chấp cặp ngà nầy cho ông Bảy rồi ông Bảy đưa tiền cho xài nghe chưa. Khi nào cần thì ông Bảy cho chuộc lại”. Tiếng là thế chấp nhưng số tiền mà đàn em Bảy Viễn để lại chỉ rất tượng trưng, không đủ uống trà. Dương gia tiếc đứt ruột nhưng cố nén vì không muốn mất mạng về tay đàn em của Bảy Viễn. Cặp ngà lại chu du theo Bảy Viễn về làm vật trang trí cho một Casino khét tiếng ở Vũng Tàu. Trớ trêu một nỗi, Bảy Viễn cũng chẳng có duyên giữ được của báu. Trong “chiến dịch Thoại Ngọc Hầu” đánh úp Bảy Viễn, tướng Dương Văn Minh của chế độ cũ đã tịch thu của quý đem về chưng ở Bảo tàng viện trong Thảo cầm viên. Và nó đã nằm yên vị cho đến ngày nay.



Dông dài nãy giờ, thể nào cũng có người sốt ruột muốn hỏi – vậy Dương lão gia là người như thế nào? Tôi chỉ vắn tắt một câu - ông Dương Minh Hiển đây chính là một ông già lãng tử còn sót lại của TK20. Nội việc ông gìn giữ ngôi nhà cùng các cổ vật đến vậy đã là chuyện dễ nể. Nhờ những nét xưa còn lưu giữ mà ngôi nhà cổ này từng được chọn làm phim trường cho bộ phim lãng mạn “Người tình” của đạo diễn J. Annaud cùng diễn viên chính Claude Berri sẽ nói ở phần sau. Nhưng riêng tôi lại nể ông ở một chuyện khác. Ông có một đam mê lạ lùng là sưu tập các đồng tiền cổ và cũng chỉ những đồng tiền được sản xuất vào năm 1926 – năm sinh của Dương lão mà thôi. Vào năm 1960, ông cho cất một cái chái nhà kế bên ngôi nhà cổ để làm chốn riêng. Nói là chái chứ nó có nhiều điều độc đáo vô cùng. Khắp nhà ông treo vô số đồng hồ cổ và vô số radio cũng cổ không kém phần. Mỗi cái ông rà sẵn một đài khác nhau, cần nghe kênh gì thì ấn nút radio đã định. Hơi rắc rối một chút nhưng ông bảo chơi vậy mới… sướng (!). Dương lão còn khoe, số điện thoại ông đang xài cũng là… đồ cổ. Thấy tôi hồ nghi, ông cười mà bảo – “Hồi 30 tháng 4, tiếp quản xong mấy ông quân báo đằng mình gíup tao kéo dây nói liền. Nội cả xứ này chỉ có nhà tao có cái máy điện thoại. Đâu như cái số hồi đó là 20137 – không phải đồ cổ sao bây”. Nghe vậy tôi chỉ còn có nước gật gù mà thôi।



Có lần tôi đánh bạo hỏi Dương lão một câu – “Vậy chớ hồi nào tới giờ, có chuyện chi mà lão gia thấy “chơi” chưa có đã không?”. “Nè, bây hỏi thì già này mới nói. Chừng nào mà nước mình chưa có quốc hoa, quốc tửu là già này nhắm mắt chưa yên nghen”. Theo ý của Dương lão thì “quốc hoa”, “quốc tửu” là nét văn hóa đặc trưng của một quốc gia không thể nào thiếu được। Lúc giặc giã thì không nói làm chi, giờ thời bình rồi phải nghĩ tới chớ. Nội như chuyện “quốc hoa” hễ nói tới Thái Lan, Singapore là nhớ hoa lan, nói Trung Quốc lại nhớ mẫu đơn, cúc lại là Nhật Bản… Nước mình chọn hoa gì đây. Miền Bắc thì khoái hoa đào, miền Nam thì nhất nhất chọn không hoa mai cũng phải là sen. Nghe đâu, khi các bậc học giả bàn tán chưa đâu ra đâu thì một anh nông dân đích thực bảo chỉ có hoa vạn thọ là đúng nhất. Anh ta lý giải, dân Việt mình bao đời nay từ chuyện cúng ngày rằm, mùng một cho đến Tết nhất nhà nào mà chẳng có một lọ vạn thọ. Nó vừa tượng trưng cho sự khang ninh, trường thọ lại vừa muốn chúc điều may mắn. Vậy là các bậc học giả một phen tóat mồ hôi trước một “luận thuyết” mới.



Hết chuyện hoa đến chuyện tửu Dương lão lại càng mê mẩn hơn। Có lần cao hứng, ông khoe ông đang có trong tay ngót 100 bài thuốc ngâm rượu nổi danh là “đệ nhất thiên hạ”. Từ toa “Ông uống bà khen” cho đến toa “Từ Hy Thái hậu” rồi lại là “Vương bất lưu hành” hiểu nôm na là vua đi không nổi uống vô biết liền – ông bảo ba cái Johnnie Walker của xứ Scotland hiểu trại ra là “Ông già chống gậy” thì làm sao bằng thứ này(?!). Nội chai rượu “Vương bất lưu hành” đã có bao chuyện ngỡ như đùa. Dương lão còn nhớ, hồi mới tiếp thu dưới tỉnh có dẫn mấy ông Tây chuyên nghiên cứu thảo mộc lên thăm ngôi nhà cổ. Nhưng đồ cổ chẳng hấp dẫn mấy ổng cho bằng chai “Vương bất lưu hành” của lão gia. Mấy tay này cứ tròn mắt lên khi nghe ông bảo thật ra đây là loại rượu gạo ngâm với… trái vú bò(!). Về bển rồi mấy tay này còn gởi thư nhờ Dương lão gởi qua cho họ một bao… vú bò để ngâm thử với Martel xem sao. Dương lão tình thiệt cắc ca cắc củm hái đầy nhóc một bao chỉ xanh. Có điều mấy ông chính quyền hồi đó biết tin đã cấm ngặt bởi lẽ… sợ lộ bí mật quốc gia (?). Trở lại chuyện “quốc tửu” ông bảo, gì thì gì phải là thứ rượu làm bằng nếp Bắc hột tròn nhỏ chính gốc. Cất rượu làm sao khi rót ra ly cứ sóng sánh như mật ong, lại phải sủi tăm li ti mới đúng cách. Ông bảo, uống một ly đó thì bao nỗi tự ti dân tộc trước Mao Đài tửu cho đến Cognac, Vodka thậm chí cả Whisky V.S.O.P. đi chăng nữa cũng tiêu tan tuốt tuột. Nhân bàn chuyện tửu, ông già lãng tử này mới đem ra hai chai rượu – bảo vật của gia tộc - trước là khoe sau để đãi tôi uống chơi. Một chai ông bảo ngâm theo toa “Từ Hy Thái hậu” nhưng độc chiêu ở chỗ ông bỏ thêm một bộ… ngọc dương cho phỉ chí. Chai thứ hai cao độ 4 tấc có tên… “Hải cẩu pín” thì khỏi phải nói. Vẫn còn đó giấy tờ, hình ảnh để minh chứng nguyên bộ… “pín” có độ dài bằng bình rượu vừa kể, gia chủ đã phải bỏ công mua tận bên Hồng Kông vào năm 1963. Từ bấy đến nay, cứ 3 năm Dương lão lại thay nước rượu một lần.



Thực hư câu chuyện như thế nào quả là khó bề phân định khi thời gian đã phủ lên một lớp bụi mờ। Duy một điều, khi được cầm tận tay bức ảnh ố vàng chụp cặp ngà voi, tôi cứ có một cảm giác gai gai người như dịp được tận tay sờ những cổ vật trục vớt giữa lòng đại dương trước đây. Và đằng sau những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng, vô phạt nầy là cái gì? Tôi chợt nghĩ, nếu một di tích mà thiếu những giai thoại, những giả định liệu nó có tồn tại một cái hồn riêng. Một giá trị tinh thần đủ để níu chân mọi du khách. Chuyện nước lũ, chuyện mối mọt gặm nhấm di tích còn dễ nhận ra, còn dễ lên tiếng, dễ trùng tu. Nhưng những câu chuyện như thế nếu không được ghi chép, không được nhìn nhận đúng mức như một phần của di tích thì liệu có nên chăng. Trong khi đó, những chứng nhân như Dương lão gia, như công tử Khánh thì phần đời còn lại cứ như đèn treo trước gió. Đến một lúc nào đó, người đời cảm thấy muốn “phủi bụi quá khứ” thì liệu có còn kịp nữa hay không (?!).



Chợt nhớ ! Tại số 33, Quảng trường Maubert, quận 5, Paris - nơi không cách xa mấy Nhà thờ Đức Bà – có một nhà hàng nhỏ nhắn với cái tên rất thuần Việt – Kim Liên। Nổi danh với món bún bò, gà nướng xiên đũa tre và cả vịt quay, vịt luộc chấm nước mắm. Lại thêm một điều khá lý thú khác – chủ quán chưa bao giờ cho thực khách biết nơi đây từng đón các sao gạo cội cỡ Catherine Deneuve, Daniel Auteril, Sandrine Bonnaire. Và trên tất cả, là những câu chuyện liên quan đến phim L’amant. Hoá ra, khi thực hiện bộ phim nổi tiếng này, để giúp Jean-Jacques Annaud “thấm đẫm” văn hoá Việt bà Marguerite Duras đã dẫn ông đến nơi này. Và cũng chính Annaud sau đó đã dẫn Brat Pitt đến nơi này để hiểu hơn về văn hoá Phương Đông trước khi đi Tây Tạng.



Lan man như thế, vì người viết chợt nghĩ đến một nơi mà Jean-Jacques Annaud từng đến và hơn thế – nơi này đã từng là phim trường của bộ phim lừng danh L’amant với những tên tuổi Jane March (cô gái trẻ người Pháp), Lương Gia Huy (anh chàng Hoa kiều) cùng bối cảnh làng quê Việt Nam năm 1929 vô cùng huyền bí, lãng mạn. Đó là ngôi nhà cổ 130 tuổi tại làng Bình Thuỷ, Cần Thơ với vị chủ nhân Dương Minh Hiển vốn là cháu nội ông Dương Chấn Kỷ – một địa chủ đã có công khai phá vùng quê Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20. Quả là Jean-Jacques Annaud đã có con mắt tinh đời khi chọn ngôi nhà cổ này để làm phim trường khi lối kiến trức của nó chứa đựng nhiều bí ẩn của buổi giao thời giữa hai thế kỷ 19 – 20 và là chứng tích của sự giao lưu văn hoá Đông Tây. Hỏi về những ngày tháng đoàn làm phim của Jean-Jacques Annaud đến đây, ông Dương Minh Hiển đã thốt lên: “Thiệt là hết sức vĩ đại”. Nhiều chi tiết mà ông còn nhớ, tỷ như chuyện cơm nước cho đoàn làm phim, họ đã nhọc công tốn 4 chiếc xe đông lạnh chở thức ăn và nước suối từ... bên Pháp sang (!)। Tính ra nội tiền nước suối đã đủ cho Việt Nam làm hẳn một bộ phim khá hoành tráng. Chi phí cho mỗi ngày nghe đâu lối 100 triệu đồng. Họ cũng mời hẳn nhà văn Sơn Nam đi theo để sắp xếp lại bàn thờ trong ngôi nhà cho phù hợp bối cảnh phim, hay để tư vấn một loại vải gấm để may màn. Nhưng vẫn chưa đáng nói bằng việc mời diễn viên đóng vai ông chủ Hoa kiều – cha của nhân vật mà Lương Gia Huy thủ diễn. Đoàn phim đã dò hỏi khắp khi Chợ Lớn để thuê cho bằng được một ông già Tàu nghiện á phiện thiệt thụ... (!). Hoặc để thực hiện bối cảnh một đêm mưa trắng trời trắng đất – đêm mà chàng trai Hoa Kiều (Lương Gia Huy) quỳ lạy cha mình xin lấy bằng được cô gái Pháp – họ đã căng vải trắng lên toàn bộ khu vườn rộng mất mẫu đất rồi dùng vòi rồng phun nước lên. Kết quả là khung cảnh thơ mộng não lòng mà khán giả đã nhìn thấy trên phim.



Nhưng hoá ra, L’amant vẫn chưa phải là bộ phim đầu tiên lấy ngôi nhà 130 tuổi này làm phim trường। Bộ phim đầu tiên là “Bão U Minh” vào năm 1985 của đạo diễn Lâm Mộc Khôn, quay phim Đường Tuấn Ba. Ông Dương Minh Hiển nhớ hồi đoàn làm phim về cả xóm cứ chạy lại coi mặt diễn viên rần rần. Thấy cảnh cậu Hai trong phim chạy xe Jeep, cảnh Việt Minh ám sát cậu Hai bằng súng ru lô dân tình lại xuýt xoa, chộn rộn y như thật. Và sau đó là một loạt phim khác khi đạo diễn Trần Phương chọn làm bối cảnh cho “Bẫy ngầm”, “Đội nữ biệt động mùa thu”, “Dòng sông hoa trắng”. Rồi hàng loạt các phim khác như: “Những nẻo đường phù sa”, “Công tử Bạc Liêu”, “Câu chuyện tình dòng kinh Phán”, “Vòng hoa Chôm pay”... hay loạt phim chuyển thể tác phẩm Hồ Biểu Chánh như “Nợ đời”, “Con nhà nghèo” hoặc “Chuyện cổ tích Việt Nam của Hãng phim Phương Nam.



Cái lý của họ khi chọn nơi đây vẫn là vì nó mang đậm dấu ấn văn hoá xưa. Riêng vị chủ nhân lại vô cùng ý nhị, lịch lãm khi tiếp đón. Ông không biết cách ra giá về thù lao khi chỉ biết tính theo tiền phòng khách sạn. Một ngày khoảng vài ba trăm ngàn gì đó cho... toàn bộ phim trường và cho cả trăm nỗi phiền toái khi hàng chục thậm chí hàng trăm người lạ sục sạo từng ngõ ngách ngôi nhà. Ngay cả bộ phim L’amant với chi phí 27 triệu USD cũng chỉ phải trả cho ông có 4 triệu đồng Việt Nam cho 10 ngày quay. Và cũng chỉ có ông mới đưa ra những nhận xét thật hóm hỉnh, xác đáng. Ông vẫn còn thấy buồn khi đoàn làm phim “Dòng sông hoa trắng” vẫn giữ phân đoạn phim cảnh hành quyết các cô gái biệt động Tây đô – từng cô gái bị treo trên từng chiếc đò đón từng phát súng – dẫu sau đó chuyển cảnh hoa sứ trôi trên sông nhưng đã không còn chất thơ. Hoặc với bộ phim “Chân trời nơi ấy” khi thấy nhân vật bá hộ mặc áo nâu, tay ngắn có túi kiểu miền Bắc, ông đã nói liền: “Mấy chú ơi, hổng phải mặc vậy. Hồi đó, ông nội tui mặc áo tơ tằm màu mỡ gà, nút bằng đồng đỏ lại đeo thêm sợi dây chuyền gắn đồng hồ quả quýt mới đúng bộ”. Mấy tay phục trang nhăn nhó: “Tiền đâu tụi con mua lụa Hà Đông ông già ơi”. Riêng cái cảnh, mấy chú nhóc đeo bao bố tuột từ trên xuống để lau cột nhà trong phim “Cây tre trăm đốt” thì ông già cười ngất: “Quỷ thần ơi, ai đâu mà làm kỳ cục vậy. Hồi đó, nhà tui mướn người trong ruộng ra lau bằng nùi giẻ với xơ dừa từng ly từng tý một đó chớ”. Hoá ra, chính vị chủ nhân này đã là một pho tư liệu sống về văn hoá Nam bộ xưa mà các đoàn làm phim ít khi quan tâm।



Dường như lần hồi máu làm phim đã ngấm vào Dương lão gia। Mới đây, ông đến tìm tôi và kể tôi nghe câu chuyện ông nội của mình vốn là một tay chơi đá gà có tiếng – đá gà vị nghệ thuật hẳn hoi. Dân Nam kỳ lục tỉnh hẳn còn nhớ tên tuổi của Tám Vịnh – người giàu nhất xứ Rạch Giá, bị mù mắt nhưng chỉ cần nghe tả hình dáng gà, nghe gà gáy, rờ cựa gà là có thể biết nó thắng thua thế nào. Và một cuộc đá gà với tiền độ đến 1 ngàn đồng bạc con cò lối những năm 1940 giữa Tám Vịnh và ông Dương Chấn Kỷ cùng một số địa chủ khác đã lập kỷ lục lúc bấy giờ. Dương lão gia chắc lưỡi bảo – giá như nó được lên phim (!).



Lại quay về bộ phim L’amant. Quá hài lòng về những bối cảnh tuyệt vời cho bộ phim, quá xúc động trước tấm thịnh tình vô vụ lợi của chủ nhân ngôi nhà, Jean-Jacques Annaud đã ướm hỏi món quà gì mà ông Dương Minh Hiển thích nhất. Thật hóm hỉnh, Dương lão gia đã liếc mắt về Jane March – Annaud cười phá lên mà rằng – “Ô là la, làm sao ông có thể đủ tiền để đảm bảo cuộc sống vương giả cho một cô đào”. Đùa vui một chút và Annaud đã lấy mảnh màn cửa bằng gấm nơi Jane March từng lướt qua để tặng cho Dương lão gia như để lưu một chút mùi hương của mỹ nhân (!). Và sau đó không lâu, khi bộ phim ra mắt Annaud đã tặng cho Dương lão gia một tấm áp phích bộ phim kèm theo những dòng thư rất nhiều tính từ. “Je suis ebloui par la splendeur spectaculaire de cette sublime demeure. J’espère pouvoir, grâce au cinéma, la faire connaitre autour de la Terre ! Mercci de votre accueil delicieux” – JJ. ANNAUD 27 Mars 1990



Và cũng như chủ nhà hàng Kim Liên tại Paris, ông Dương Minh Hiển rất ít khi kể ai nghe những câu chuyện này, mặc dù chính Annaud thú nhận, ông ta đã choáng mắt trước sự tráng lệ, kỳ vĩ của ngôi nhà và Annaud muốn nhờ vào điện ảnh để khiến khắp hành tinh biết đến nơi đây. Lại nhớ, vào ngày 29.1.2001, khi đến đây hoạ sĩ Lê Bá Đảng đã cho biết: “Nhà vườn và chủ nhân rất quý. Tất cả có thể trở nên hiếm có nếu chen vào đây mỹ thuật, văn hoá mới. Sẽ là thật cũ và thật mới thì quý hoá vô cùng. Và tất nhiên chỉ có văn hoá mỹ thuật và lòng người mới vĩnh viễn sang trọng”. Ý định của hoạ sĩ Lê Bá Đảng là sẽ đầu tư tiền bạc để có một cuộc triển lãm, trưng bày phía sau ngôi nhà cổ – những vật dụng như mô hình bồ lúa, bụi lúa, cái cày, con trâu... mà người ta có thể vào ngồi trong đó để hưởng thú vui ẩm thực. Chủ nhân đã suy gẫm rất lâu và rồi... chối từ ý định đó. Dường như với ông, cái văn minh tân tiến sẽ mãi không chạm được đến cửa ngõ căn nhà này. Cũng như chủ nhân của nhà hàng Kim Liên vẫn không muốn kiếm tiền bằng cách lăng xê kỷ niệm, kỷ vật để rồi lũ lượt những dòng du khách kéo đến – phá vỡ đi một không gian rất thuần Việt. Ông Dương Minh Hiển nói rằng ông rất thích một câu nói của Napoleon: “Tôi không cần biết anh làm gì nhưng khi anh sanh ra nơi nào anh chết nơi đó là anh đã thành công rồi”. Ông Hiển đã đạt được hơn thế với ngôi nhà thấm đẫm chất văn hoá phong lưu đặc sệt xứ Nam bộ xưa.

Saturday, June 30, 2007

MỚI ĐÓ ĐÃ LÀ CHUYỆN XƯA

Bến Ninh Kiều xưa

Hơn một năm ngoài nay, chợ Cổ Cần Thơ đã được mở lại sau khi đã “tân trang nhan sắc” với hực hỡ sắc màu. Nghe nói, chợ Cần Thơ xưa sẽ trở thành chợ phục vụ khách du lịch. Một chiếc cầu sẽ thay thế phà Xóm Chài. Hàng dừa xưa nay cũng được khôi phục lại trên một công viên nho nhỏ gần chợ. Lại không khỏi ngỡ ngàng khi chợt nghĩ vẽ tô kiểu này sao giống cây kiểng trong vườn. Đối với người miền Tây, những trung tâm thương mại vẫn là một khái niệm hết sức kiểu cách, xa vời. Họ chỉ nghĩ đơn giản một điều, chợ xa bến thuyền có còn là chợ, vắng chợ rồi thuyền neo bến làm chi. Tẩn mẩn nhẩm tính – chợ Cần Thơ đã trên một trăm tuổi, bến Xóm Chài cũng ngần ấy thời gian – chẳng lẽ rồi chỉ còn trong ký ức.

CHỢ XƯA MỘT THUỞ

Từ xưa, có lẽ từ trên 100 năm nay, chợ Cần Thơ đã hình thành dọc theo ngã ba sông Bassac - Cần Thơ। Dần dà chính quyền thuộc địa đã qui hoạch ở ngã ba sông một khu nghỉ dưỡng gọi là Bungalon bốn bề lộng gió sông Bassac (nay là sông Hậu) và dọc theo bờ sông lại có một công viên chạy dài với những tên gọi mỹ miều là Bến Ninh Kiều hay bến Cầm Thi. Những ông lão, bà lão thì nhớ rất rõ từ hồi xửa, hồi xưa, công viên đã được trồng rất nhiều cây dương, cắt tỉa cẩn thận với nhiều hình dáng rất đẹp mắt. Kề bên lại có cả bến tàu sông, với những chiếc tàu chạy lên Sài Gòn và ngược tận Nam Vang. Trên bờ, những sạp bán hàng xén, bán rau cải vào ban ngày, ban đêm được dọn sạch để bán đồ ăn, thức uống phục vụ cho chợ đêm và cho bến tàu. Dường như, không người Cần Thơ cố cựu nào mà lại không một lần đến đây, vào chợ ghé tiệm chè của mấy chú Hoa Kiều để ăn một chén chè hột gà, chè củ năng hay một ly sâm bổ lượng... Rồi mỗi sáng hừng đông khi những chiếc ghe chở khẳm cây trái miệt vườn với những cô thôn nữ ở tận Trà Ôn, Nha Mân, Ba Láng... ghé lại là cả bến chợ cứ xôn xao, nhộn nhạo. Những yếu tố trên bến, dưới thuyền như vậy đã tạo ra cho chợ Cần Thơ, cho đất Tây Đô một nét đặc trưng Nam Bộ khá đậm đặc.

Giở lại những trang tài liệu sưu khảo xưa để xem ngôi chợ này thật ra đã được bao nhiêu tuổi। Mới biết, năm 1876 chính quyền lúc bấy giờ đã tái lập hạt Cần Thơ và lấy chợ Cần Thơ làm trung tâm tỉnh lỵ. Đến năm 1897, Cần Thơ đã có 2 nhà thơ dây thép và 10 chợ vì họ xem đây là ải địa đầu quan trọng để nối Hậu Giang với Sài Gòn Chợ Lớn. Qua cửa ngõ này biết bao sản vật, bao lúa gạo ở miệt Nha Mân, Sa Đéc hay Rạch Giá, Cà Mau theo kinh xáng Xà No đã được khai thông bằng con đường ngắn nhất. Trong 10 chợ vừa nhắc đến thì có hai chợ bán buôn xung nhất, đó là chợ Cần Thơ ở làng Tân An, tổng Định Bảo và chợ Cái Răng, làng Thường Thạnh. Nghe đâu, từ khi lập chợ Cần Thơ thì nền kinh tế của các vùng lân cận đã vực dậy, sung túc hẳn lên. Chẳng mấy thời gian, sau khi lập chành, dựng chợ đã thấy đất chật người đông. Đến năm 1966, ông Trưởng Ty kiến thiết của chính quyền hồi đó đã lập một đồ án xây dựng lại chợ Cần Thơ với số tiền sẽ bỏ ra lối chừng mấy triệu bạc. Theo đó, một ngôi chợ mới với quy mô 3 tầng – phỏng theo mô típ chợ Đà Lạt - sẽ sừng sững bên bến Ninh Kiều. Người ta sẽ dành hẳn một tầng trên cùng để làm nơi ăn uống, thưởng ngoạn cảnh vật chung quanh. Tuy nhiên do nhiều biến động lịch sử xảy ra nên ý định đó không thành. Nhưng điều gây ấn tượng nhất cho đến bây giờ vẫn là cách đặt tên cho những phố chợ hồi đó đã hết sức dân dã kiểu miệt vườn. Như phố chợ Hàng Dừa, Hàng Xoài, Hàng Me... đơn giản chỉ vì ở đó được trồng toàn dừa hoặc toàn xoài, toàn me. Cũng như người dân Cần Thơ vẫn quen gọi chợ Cần Thơ là chợ Hàng Dương. Họ đã lý giải một cách có lý rằng, chợ miền Tây phải mang dáng dấp của chợ quê ngay từ cái tên gọi. Cũng như một cô thôn nữ chèo xuồng trên sông Ba sắc thì không thể nào kè kè một cái bóp đầm trên tay được (!). Mà quả là những cái tên đó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân ở đây đến đỗi 100 năm sau họ vẫn gọi như thế dù trải qua bao dâu bể, bóng xoài và cả dáng dừa đều đã mất đi. Từ tiềm thức của đa số người dân mà chợ Cần Thơ gắn liền với bến Ninh Kiều đã là một biểu tượng của đất Tây đô.

Có lẽ không nơi đâu mà lại gắn kết những số phận con người ta cho bằng... chợ. Bao buồn vui nhân tình thế thái đều hiển hiện mồn một ở nơi này. Cũng như chợ Cần Thơ vậy. Nhiều người khi đi xa cả nửa vòng trái đất vẫn thèm được về để được đi chợ, được ăn quà. Chỉ có ở đó mỗi một tô bún, mỗi một ổ bánh mì thịt mới gắn bó với từng số phận con người cụ thể. Những số phận đã đem lại cái hồn, cái thi vị vào từng miếng ăn. Như chuyện ông lão Hoa Kiều bán bánh mì xá xíu ở đầu ngõ chợ Hàng Dừa. Bánh mì của ổng thì cũng thường thôi nhưng có nhìn cái cách ổng cẩn trọng xẻ đôi ổ bánh, xắt từng lát thịt xá xíu mỏng manh rồi đem đi... cân lượng lại trên một cái cân tiểu ly đã lên nước bóng loáng mặc cho người mua bụng đói cồn cào mới biết. Người mua sốt ruột hỏi “Làm chi kỹ vậy ông, một ổ có hai ngàn đồng bạc, nhắm chừng đại khái thôi”. Ổng bảo: “Nị nói dậy hổng được dồi. Ngộ cân mới công bằng chớ”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà đã mấy chục năm nay, bao thế hệ người dân cố cựu ở Cần Thơ vẫn chung thủy đứng chen chúc bên xe bánh mì này। Hoá ra một chút... công bằng của ông già bán bánh mì đã cầm chân được biết bao con người, biết bao thế hệ.

Hoặc giả chuyện bà Sáu “cô đơn” bán bánh kẹo, đường sữa. Ôi thôi ! Bao nhiêu câu chuyện đã được thêu dệt quanh chuyện tình duyên gia đạo – miệng thế gian thường vậy – của mấy chị em nhà này. Dì Ba, cô Bảy, chị Tư miễn đi chợ chung là xúm lại với nhau xầm xì “nhiều chuyện”. Chị em bà Sáu biết hết nhưng không để bụng. Cứ vậy, hết năm này tháng nọ “cô đơn” hay không thì chẳng ai biết, có điều những mặt hàng sữa đường bánh trái đố ai bán lại chị em bà Sáu. Gian hàng cứ đông vui như hội. Mà nói chi đến những người mua bán lớn. Nhớ ngày, ở trên công bố sẽ sửa chợ Cần Thơ để hình thành một ngôi chợ chuyên phục vụ khách du lịch lại thấy buồn. Bao nhiêu hàng cá, bao nhiêu hàng rau, bao nhiêu hàng trái cây… chộn rộn di dời đi nơi khác. Hôm đó, dì Bảy bán bún mắm đầu đường bảo, chợ dẹp rồi dì nhớ nhất con nhỏ bán sả ớt. Ôi thôi, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Lâu quá, mới ghé lại thế nào nó cũng lăng xăng lít xít hỏi thăm rồi cho thêm vài ba trái ớt dù dì Bảy chỉ mua có... hai trăm đồng sả (!). Lại nhớ, con nhỏ Tư trên Bình Thuỷ xuống ngồi ké bên sạp dừa khô của bà Tám để bán “cò bay, ngựa chạy” mỗi khi Tết hay ba mươi, mùng một đến. Và cũng lạ một điều, hiếm có nơi đâu người ta lại bộc phát một tình cảm chơn chất, ấm lòng như… ở chợ. Lại nhớ một chuyện khá thú vị. Hôm nọ, anh Ba Bé, Giám đốc Xí nghiệp In Cần Thơ có khách trên Sài Gòn xuống, muốn đãi khách ngặt nỗi bận quá không ra chợ được. Ảnh bèn sai lính đem một mẩu giấy cho một cô bán cua mà ảnh… biết mặt chứ không biết tên với nội dung như vầy: “Cô bán cua ơi, tôi là người hay mua cua nè. Bữa nay có khách, cô cho tui mấy ký cua gạch son chắc càng nghen. Hôm nào rảnh tui ra trả tiền sau”. Và cô nàng cũng chuyển lại một giỏ cua kèm một mẩu giấy cho người mua… không tên như vầy: “Anh mua cua à ! Em tên là Loan, còn con nhỏ bán chả cá kế bên em tên là Thuỷ”. Chẳng hiểu giờ cô Loan đã phiêu dạt đến nơi nào, chỉ có điều “cái tình” ấy làm sao anh Ba và cả những người như tôi quên cho được !

Dường như những ai thường đến nhấm nháp bữa điểm tâm tại nhà hàng Hoàng Cung, đầu ngõ chợ vải – hồi xưa gọi là chợ Gà sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy Xuân thu nhị kỳ hai ông Trí và Hùng đều ăn sáng ở đây। Đơn giản chỉ vì với cái góc nhìn từ Hoàng Cung hai ông mới thỏa cái thú... ngắm chợ Cần Thơ. Nghe đâu, hai ông đã gắn bó với cái chợ Cần Thơ này từ thưở nảo, thưở nao. Hai ông thân với nhau lắm và cũng khá cực đoan theo cách nghĩ, theo cách sống của mỗi người. Ông Hùng, nay là giám đốc Công ty May Tây Đô, nhưng hàng mấy chục năm trước ông từng kinh qua nhiều cái cửa hàng trưởng của chợ Nhà lồng Cần Thơ. Từ bách hoá tổng hợp cho đến chợ cải, chợ cá. Ông yêu cái chợ đến đỗi thuộc lòng từng cái ngạch cửa chợ, từng viên đá lát, thậm chí cả cái khung cửa sắt đã bung gỉ. Cho đến bây giờ, khi đã ở một cương vị khác ông vẫn la cà với chợ. Và dân tiểu thương mỗi khi mích lòng nhau chuyện gì, hay khó khăn vốn liếng lại túm lấy ông để nhờ phân giải. Mấy bà bán cá lại hay nhờ ông Hùng truyền cho bí kíp nhìn mặt cá đồng, đâu là cá lóc U Minh, đâu là cá lóc nuôi bè. Thêm một điều ông lại khoái đi đổi tiền lẻ giúp cho mấy sạp báo ngoài chợ. Không phải màu mè gì, chỉ đơn giản là nhờ vậy mà ổng mới có cớ... đi dạo chợ Cần Thơ. Ông Trí bạn ông cũng thăng trầm không kém. Nhớ hồi thời bao cấp – ông Hùng phân cho ông Trí một sạp bán vải trong khu bách hóa – vẻn vẹn 1,4 mét vuông cho tấm thân đô con cao gần mét tám. Cũng có lúc thấy làm ăn với Nhà Nước không khá, ông Trí bỏ ra bán quần jean lậu ngoài lề đường, ông Hùng lại chạy xe đi kiếm. Lại có lúc ông Trí bỏ đi bán đồng hồ, lại thấy ông Hùng đi tìm. Tình bạn của hai ông cứ chạy đèn cù quanh cái chợ Cần Thơ.

Nói cho hết chuyện chợ Cần Thơ thì có mà trăm năm. Còn nhớ lúc di dời tiểu thương đi, dân tình chỉ thắc mắc một điều – trên nền chợ cũ sẽ mọc lên cái gì. Ông Hùng lạc quan với một mô hình chợ đêm sẽ mọc lên. Ông bảo, bao nhiêu khách sạn có sao, không sao của Cần Thơ đều ở xoay quanh trục đường này. Mở một chợ đêm sẽ là cơ hội hốt bạc của du khách. Ông Trí thì nhấm nhẳng nói: “Sao độ rày tui thấy đường phố bớt xung”. Đâu đó trong tâm tưởng, hai ông vẫn hoài nhớ một ngày xưa, một thời chợ đã như một chứng nhân chứng kiến bao nỗi thăng trầm của cuộc đời hai ông, của cuộc đời bao nhiêu người khác।

Có lẽ không một đô thị miền Tây nào lại có được một vị thế tuyệt vời với những bố cục phố xá như Cần Thơ và chợ Cần Thơ। Thử tưởng tượng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, tửu điếm mang những cái tên: Đế Vương, Hoàng Cung, Phong Nhã, Hào Hoa... Rồi hàng mấy rạp chiếu bóng – mà hồi xưa đã phân định, rạp này chuyên chiếu phim Tàu, rạp kia phim Chưởng, rạp nọ chuyên trị Ấn Độ lại Tây Phương. Tất cả đều xoay quanh tâm điểm là chợ Cần Thơ. Liệu khi về nơi mới, chợ mới có hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà kể trên cho các tiểu thương đã gắn bó từ bao đời nay với chuyện mua, chuyện bán. Quan điểm, di dời hết tiểu thương của một ngôi chợ trên 100 tuổi để điều chỉnh sự hưng thịnh cho Trung tâm thương mại Cái Khế mới quả là vấn đề đáng bàn cãi. Bản thân chợ không bao chịu sự áp đặt. Bản chất của chợ là tự phát, vấn đề là tự phát như thế nào để các nhà quản lý sẽ điều chỉnh đến đó. Khu chợ mới sẽ tự nhiên sẽ sung túc, náo nhiệt lên nếu có đầy đủ yếu tố chứ không thể “ép duyên” là “nên vợ nên chồng”. Nhiều người cứ băn khoăn mãi với việc dành bao nhiêu diện tích cho chợ đêm, bao nhiêu cho công viên. Họ bảo, sau khi giải toả chợ Cần Thơ thì các trục đường Võ Văn Tần, Châu Văn Liêm, Ngô Quyền sẽ như những hành lang thông gió cho đô thị. Trộm nghĩ, lẽ thường âm dương phải hoà hợp. Một khi, gió thổi lồng lộng mà khách bộ hành thưa thớt liệu có vượng khí được hay không. Giờ thì ngôi chợ cổ Cần Thơ 100 tuổi đã được “tân trang nhan sắc” với những đèn màu chớp tắt hực hỡ. Bên trong cũng có bán hàng, nhưng những kiến trúc sạp chợ như những kho chứa hàng xếp san sát thấy phản cảm gì đâu. Mặt tiền phía bờ sông lại bị một Nhà hàng của Tây án ngữ. Vậy thì liệu có “anh bán chiếu” nào dám ghé để ngẩn ngơ nhìn cô thôn nữ miệt vườn dạo phố. Mà người đi chợ cũng thưa thớt lắm rồi. Lại nghe đâu, bến thuyền sẽ dời về cầu Bắc Cần Thơ. Xa hơn một chút là những cọng dây cáp treo chăng ngang qua sông Hậu để chở du khách qua cồn Ấu thay thế nhiệm vụ của những chuyến đò ngang. Lại trộm nghĩ – “Thô bạo quá – vậy còn gì là miền Tây”.

Hôm nay là chuyện vắng chợ, ngày mai mất bến thuyền, ngày kia nữa vắng hẳn những chuyến đò ngang. Và nụ cười duyên e ấp của những cô gái xóm Chài riết rồi cũng thành dĩ vãng. Biết rằng con ngưòi ta không thể cưỡng được làn sóng “xâm thực” của cái gọi là văn minh đô thị. Nhưng lại nghe đâu đây bao tiếng thở dài hoài cảm, xót xa. Họ chỉ mong một ngày chợ tìm lại được nét duyên xưa.

CHUYỆN XÓM CHÀI:

Rồi đây, theo quy hoạch đô thị hết sức “tân tiến, văn minh” - một chiếc cầu bê tông bề thế sẽ kết thúc nhiệm vụ từ hàng thế kỷ nay của những chiếc thuyền ba lá, những chiếc phà trên bến Xóm Chài, Cần Thơ। Mà đâu đợi gì đến lúc đó, từ khi chợ Cần Thơ được quy hoạch, cải tạo lại, ghe thuyền neo bến nơi này đã ít hơn xưa. Duy ánh đèn màu của dãy khách sạn Golf, Quốc Tế, Ninh Kiều vẫn nhẫn nại lung linh hắt xuống mặt sông đen sẫm. Bên kia bờ là Xóm Chài – như một bè trầm tương phản – tĩnh lặng trong màn đêm. Khác với Sài Gòn náo nhiệt, đêm Tây Đô yên ắng quá, tưởng chừng như có thể lắng nghe được tiếng thở dài của sông. Và khoảng cách đôi bờ vẫn chưa là một khoảng với cho tiếng gọi Đò ơi ! Vậy mà đã bao đời nay, bến sông đó như một chứng nhân cho bao thân phận đàn bà sống kiếp chèo thuê. Hàng đêm, họ cứ ngồi chết lặng nhìn những ngọn đèn xanh đỏ bên kia sông mà như mơ về một nơi xa lắm...

Còn nhớ, cả một đoạn Xóm Chài gần như xôn xao cả lên khi thấy chúng tôi lỉnh kỉnh nào túi, nào máy ảnh đi hỏi thăm nhà chị Ánh chèo đò। Đã bao năm rồi, ngôi nhà ấy không có bóng dáng đàn ông. Khi biết chúng tôi là loại khách du lịch bụi thường thuê chị Ánh chở ra sông Hậu nghêu ngao giữa sông nước bốn bề, họ ồ lên ngạc nhiên. Họ cứ ngỡ chỉ có Tây mới làm như thế. Khác với vẻ lanh lợi, bẻm mép thường thấy của những chàng trai, cô gái đưa rước khách du lịch trên sông - ở chị thường có một chút chi cam chịu, nhẫn nhục trước số phận đẩy đưa. Và trong những câu chuyện lan man, ngắt quãng suốt chuyến đi, bao giờ cũng thấy thấp thoáng bóng dáng, số phận lam lũ của người dân Xóm Chài. Chị không mừng khi chúng tôi biếu thêm sau mỗi một chuyến đi những tờ giấy bạc xanh, đỏ. Chị chỉ lạ, vì như vậy đã là quá sang cả với người dân Xóm Chài. Để có những tờ giấy xanh, đỏ mà du khách hào phóng rút ra không cần suy nghĩ đó, họ phải mải miết chèo cả sáng, cả chiều đến những bến đỗ xa tít tắp ở Cái Sâu, Bùng Binh, Bến Bạ, Cả Nghi... Chị bảo, ở Xóm Chài chỉ năm xóm dân thì có đến 7 bến đò đón khách sang sông. Dù tiền vé cho mỗi lượt khách chỉ hai trăm hoặc năm trăm đồng nhỏ nhoi nhưng họ vẫn cứ bám lấy như đã là một cái nghiệp.
Có lần, tôi tò mò hỏi chị chèo đò đã bao nhiêu năm। Chị Ánh mộc mạc hỏi đứa em đang ngồi trước mũi ghe: “Thằng Len năm nay bao nhiêu tuổi hả Út”. “Mười chín chứ bi nhiêu. Hồi chị sanh nó xong má để tài đò lại cho chị tới giờ, hổng nhớ sao”. Vậy đó, ở họ hình như không có một khái niệm cụ thể về thời gian। Cuộc sống với biết bao biến động, bao cuộc mưu sinh cứ ập đến trên đôi vai cô gái đã toan về già này. Họ chỉ biết một khái niệm thời gian vật chất qua con nước lớn, nước ròng trên bến sông đỏ ngầu phù sa. Má chị Ánh chết cách đây 6 năm, lúc đó bà 56 tuổi. Không ai nhớ tên thật của bà là gì, đã mấy chục năm nay họ gọi chết tên bà là Bà Bảy Xóm Chài. Cũng như tên bà ngoại của chị Ánh là Bà Năm bán trầu. Không như đứa con gái vắn số của mình, bà Năm vẫn minh mẫn dù đã ngoài 80. Bà bảo, trước bà ở kinh So Đũa Vàm Sáng miệt Phụng Hiệp. Bà theo chồng đến đây sinh cơ lập nghiệp đã trên 50 năm. Hồi đó, ở đây còn là rừng hoang vu, xa xa chỉ có một cái nhà. Cũng như những người đàn bà khác trên bến sông, bà Năm bán buôn lặt vặt cho khách thương hồ rồi mót máy dành dụm tiền mua một chiếc đò ngang kiếm kế mưu sinh. Thời gian cứ như chớp mắt. Chính họ cũng không sao hình dung nổi đã có ba thế hệ trong căn nhà này gắn chặt cuộc đời theo con sông lững lờ chảy ngoài kia. Chị Ánh bảo, hồi mới sanh thằng Len xong chị ước mơ đủ thứ. Chị dặn với lòng ráng kiếm tiền nhiều hơn để cho đời con được khá, nó được qua bên kia bờ chen vai thích cánh với người ta. Thời gian càng qua đi lại càng bào mòn những ước mơ ấy. Giờ thì chị chỉ mong có tiền mua một chiếc máy tốt hơn cho con trai đưa khách đường xa.

Vậy đó, ở bên bến sông này đã có một ngôi nhà, một con đò của 3 cuộc đời, 3 thân phận đàn bà। Cả ba người đàn bà này đều gặp nhau ở một điểm chung nhất. Họ cứ đau đáu nhìn qua bên kia sông, ở đó là bến Ninh Kiều có đèn ngọn xanh, ngọn đỏ, có dập dìu tài tử giai nhân. Họ ước muốn con mình, cháu mình rồi sẽ đổi đời, cuộc đời nó sẽ có màu như ngọn đèn xanh đỏ ấy. Ôi chao, một ước mơ đi suốt ba thế hệ của ba kiếp người.

Cũng sinh cơ trên đất Xóm Chài nhưng sự gắn kết cuộc đời anh Phan Văn Đấu với khúc sông này thật ngẫu nhiên, thật tài tử. Anh quê miệt Tân Thành, Cà Mau. Cách đây 15 năm khi còn là một chàng trai trẻ, lực điền anh theo bạn bè đi than, đi củi và thường neo đậu ghe ở Xóm Chài. Mỗi lúc nằm chờ con nước lớn để nhổ neo anh hay ngâm nga mấy câu vọng cổ của Viễn Châu... “Chiếu Cà Mau cặm sào trên dòng sông Ngã Bảy...”. Chỉ ca thôi chứ không dám tỏ tình, chọc ghẹo những cô gái trên bến sông। Anh sợ cái ngoa ngoắt của họ thì ít, buồn cho cái kiếp nổi trôi của mình thì nhiều hơn. Thành thử anh đã sững sờ khi bắt gặp cái nhìn len lén của cô Phúc đò ngang. Vậy là hai cuộc đời nổi trôi ấy đã gắn kết với nhau trên chiếc ghe. Họ có với nhau một mặt con cũng trên chiếc ghe ấy.

Mới đây, anh Đấu khoe đã mua được một căn nhà nhỏ ở Xóm Chài để chị Phúc “lên bờ” nuôi con. Riêng anh, “lên đời” chiếc ghe có tải trọng lớn hơn một chút để đi chở thuê cát, đá. Chị Phúc bảo, những ngày giáp Tết, khách thuê mướn nhiều anh đi biệt cả tháng mới về. Nhưng chị không buồn vì đó là ước muốn để được đổi đời của anh. Nhưng chị lại chạnh lòng khi có ai đó hỏi han chuyện học của con trai chị. Thằng Chiến năm nay 13 tuổi nhưng mới học hết lớp 3. Cái nguyên cớ sâu xa để anh Đấu, chị Phúc nhất quyết lên bờ chính vì muốn thằng con mình được “lên trường”. Nhưng cạy cục mãi thằng Chiến vẫn không lên được trường công vì quá tuổi nhiều quá – cái giá của những chuỗi ngày lênh đênh trên sông nước cùng cha, mẹ. Hôm qua, nó rủ rỉ bảo với chị Phúc – “Má cho con nghỉ học theo ghe phụ ba. Chớ con lớn tồng ngồng nhứt lớp mắc cỡ quá hà”. Chị Phúc nhìn chết sững thằng Chiến mà xót xa vì một nỗi không thay đổi được gì cho कों.

Còn nhớ mấy năm trước, cả Xóm Chài này đã xôn xao cả lên khi nghe tin Nhà Nuớc sẽ quy hoạch cả cái cồn Hưng Phú này thành khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái। Lâu lâu lại có những ông áo quần bảnh bao qua đứng chỉ chỏ, bàn tán đây sẽ là đầu cầu Cần Thơ, kia sẽ là đầu cầu Quang Trung. Giá đất theo đó cứ lên vù vù. Cư dân Xóm Chài cứ ngỡ phen này được đổi đời đến nơi. Mà có riêng gì họ. Tôi nhớ, hồi đó anh Nguyễn Hữu Xuân, chủ tịch phường cứ trăn trở mãi về những quy hoạch chi tiết. Bờ Nam sẽ là khu công nghiệp, kia là lò gạch tuy nen Phú An. Rồi dãy bờ sông này sẽ dãn dân để hình thành khu du lịch sinh thái với những bờ kè không thua kém công viên Ninh Kiều. Anh sôi nổi nói về những dự án thu hút lao động tại chỗ khi mai này khu công nghiệp mọc lên. Nhưng rồi cũng chỉ là nhũng toan tính, dự định. Tôi đã phải giật mình khi biết để thực hiện dự án ấy nội tiền giải tỏa, bồi hoàn đã trên 200 tỷ. Giá đất tạm lắng. Nghe đâu trong cơn sốt đất trước đó, có đến gần 200 hộ dân bán đất, sang vườn. Buồn một nỗi, hộ khấm khá lên nhờ bán đất thì ít, sạt nghiệp trắng tay thì nhiều. Đa phần, họ mua một chiếc ghe xuống sông đưa khách kiếm sống qua ngày để tìm kiếm một cơ may nào khác.

Những biến động như thế cứ nối tiếp nhau như con nước lớn, nước ròng với những người dân Xóm Chài. Tóc chị Ánh đã lấm tấm bạc. Anh Đấu đã thôi ca vọng cổ. Chị Phúc hay nghêu ngao hát Karaoke. Duy đèn công viên vẫn nhấp nháy đỏ, xanh. Con sông Hậu vẫn lững lờ chảy. Sông biết hết những biến động của lòng người, những khao khát dồn nén dù là thầm kín. Nhưng như bao đời nay, nó vẫn bao dung với tất cả, bảo bọc tất cả với những gì có thể. Chỉ lạ một điều, lần này chính dòng sông lại buồn khi thấy những thân phận đó lại tiếp tục đưa khách sang sông. Các tấm biển xanh đỏ bên kia Xóm Chài vẫn nhấp nháy hực hỡ. Nhưng khi tĩnh tâm một chút lại như nghe được tiếng thở gấp gáp trong giấc ngủ chập chờn của những người vừa đi qua trong tâm tưởng của tôi.

Tuesday, June 19, 2007

CHỢ XƯA CHỢ NAY

Chợ Mỹ Tho xưa

Chợ người Hoa xưa

Chợ Nam bộ cuối thế kỷ 19



Một khoảng thời gian không ngắn, không dài. Một khoảng không gian không xa, không gần. Aáy vậy mà bỗng chốc trở thành người xa xứ. Cuối năm chợt nhớ cái xô bồ, nhộn nhạo của Cà Mau và cả một chút chi hào sảng, phóng khoáng cố hữu. Một đồng nghiệp cũ phôn lên, hỏi nhỏ: “Báo Tết có viết về xứ nhà không?”… “Hắn” đã phì cười, hoài nghi khi nghe tôi nói sẽ viết một cái chi đó về kinh tế. Người xứ xa - không con số cụ thể - không biết mô tê một giám đốc kinh doanh nào. Họa có điên mới liều thế. Tôi chợt nghĩ - Tại sao không …


1…
Bạn bè có đứa bảo tôi là người hoài cổ. Tôi cũng không hiểu sao mình lại thích đắm chìm vào những chuỗi ký ức đến vậy. Toiâi nhớ lần đầu tiên đọc “Đất rừng phương Nam”, tôi như bị hút hồn. Cái bí ẩn của phiên chợ miệt rừng U Minh với trăn, với rắn, với rùa, với ong cứ phả lên một chút chi hoang dã, một chút chi chất digan. Nhưng cộng hưởng tất cả thì đó là chính là chất Nam bộ đặc sệt. Gần đây, khi xem “Đất phương Nam” - tôi như hẫng. Những sạp gỗ, những ngôn từ trong phim nào phải nếp sống của những lưu dân khẩn hoang xưa. Thưở ấy, khi chim chóc, muông thú, sản vật đầy dẫy lẽ nào người ta lại bó từng lọn rau, bày từng con cá. Lưu dân khoái bốc tay, bẻ cây làm đũa, uống rượu bằng tô chắc hẳn sẽ không có chuyện so kè giá cả, đong hạt tiêu, đếm củ hành. Nhưng thôi đó là chuyện phim.
Nhưng liệu khuôn mặt của chợ xưa ngoài những phiên chợ kiểu “đất rừng phương Nam” sẽ là những gì nữa. Cái phóng khoáng, cái tật ăn chơi ngút trời của dân Nam bộ liệu có đem lại một diện mạo gì khác cho bộ mặt thương mãi thời bấy giờ. Cái công đầu tiên có lẽ thuộc về mấy ông Hoa kiều Quảng Đông. Mấy nhà sưu khảo bảo hồi đó, những cửa hiệu tạp hóa mà mấy ông “Ba Tàu” kêu là “điếm” đã trở thành một nhu cầu trong việc mua sắm của người dân. Theo thời gian, chữ “điếm” mất đi phụ âm đầu, dân khẩn hoang chỉ giữ âm tiết cuối và đọc trại đi là “tiệm”. Ba tôi giải thích giản đơn hơn, người Nam bộ vốn “làm biếng” trong câu chữ, đọc sao thấy tiện, thấy nhanh là được... (!). Cũng theo ký ức ngững bậc lão niên, những tiệm chạp phô bấy giờ thôi thì bán đủ thứ tả pín lù. Từ cây kim, cọng chỉ đến cây cải tùa xại, củ xá bấu. Nếu rủng rỉnh tiền đã có phong bánh ngọt, thẻ đường phèn ăn cho mát miệng. Vậy là người dân chẳng đi đâu cho xa, cứ đầu tháng ra tiệm chạp phô ở đầu kinh mua một một lần là đủ xài. Còn cái cách lượm bạc cắc của ông Hoa kiều thì đừng cười vội. Ông nào ông nấy giàu nứt trứng mà còn cười mấy ông Việt không biết tích cốc, phòng cơ. Nhưng biết làm sao được, người dân Nam bộ với cách sống phóng khoáng, hào phóng như công tử thì đâu để ý chi chuyện lượm bạc cắc. Mà suy cho cùng chuyện mua, chuyện bán thời nào cũng vậy, nếu ai cũng bo bo cái túi riêng có lẽ chợ nào, chợ nấy vắng như chùa Bà Đanh. Theo thời gian, ở những tiệm chạp phô ấy có bán cả rượu chát, xà bông Cô Ba, vải vóc, gấm nhiễu, nước hoa. Và điều không thể thiếu được, thể nào các tiệm chạp phô cũng bày một vài bộ tranh thờ lộng kiếng có in hình theo các tuồng tích Tam quốc, Phong thần. Xem ra, lưu dân thời ấy đã biết xài sang lắm và các ông Hoa kiều “tiếp thị” cũng miễn chê. Tiền, hàng hóa đã luân chuyển, xoay vòng và nó như một mắc xích để cho các lưu dân sống nương tựa vào nhau. Nhưng điều cốt lõi nhất vẫn cần một chữ tín.

2…
Ngoảnh đi, ngoảnh lại đơn vị tính thời gian đã lên đến hàng trăm năm. Aáy vậy mà những tiệm chạp phô ở đầu kinh, bên gốc còng già vẫn còn đó. Cái bàn tính gỗ của ông “Chệt” đã nâu bóng lên theo năm tháng. Nhưng nó đã là một góc hoài niệm cho những ai còn lưu luyến chuyện xưa. Khách hàng của ông “Chệt” là mẹ tôi, là dì tôi - những người đàn bà tảo tần với nắng gió, bàn tay nẻ sần với đất đai. Lâu lâu, nhà có khách là mấy đứa cháu ở quê ra, nó bảo: “Đi siêu thị sắm đồ cho nhà”. Tôi chợt giật mình và thầm than cho cái tật hay hoài cổ của mình. Chuyện bây giờ đã khác xưa lắm rồi. Còn nhớ, cách đây độ 10 năm, khi Minimart đầu tiên của Công ty thương nghiệp Cà Mau ra đời, tôi hoài nghi - liệu có khách không. Và trong một bài ghi nhanh tôi lại quy chụp - số khách hàng đến đây đều mắc hội chứng phim Hồng kông. Chưa kịp hoàn hồn lại mọc lên sừng sững một cái siêu thị cao ngất. Tôi nhăn nhó - “đúng là học đòi”. Nhưng rồi tôi vẫn đến với những điểm đó. Lần 1 vì tò mò, lần 2 để đúc kết, lần 3 để săn tin, lần 4, lần 5… Riết rồi tôi đã trở thành khách quen mặt ở đó. Có lần bạn bè hỏi, khi đi xa nhớ Cà Mau nhất cái gì. Tôi bảo - Nhớ nhất cái cửa hàng tự chọn (!).
Tôi chợt nhận ra, mô hình siêu thị, cửa hàng tự chọn hiện nay chỉ khác tiệm chạp phô một trăm năm trước ở chữ Super Market hoặc Mart hết sức Tây. Nếu một trăm năm truớc ông cha ta biết chữ Tây, được đi Tây dám về mở Mart chứ chẳng chơi. Nhưng dù gì đi nữa, cách đi chợ tự chọn hàng, có xe, có giỏ xách để hàng, tính tiền vi tính đã là văn minh lắm rồi. Vậy là bên cạnh một chợ Nhà lồng xưa, một chợ chạy còn đó thì những siêu thị này đã hình thành nên một thứ “văn minh siêu thị”, buộc hậu duệ của những lưu dân khẩn hoang xưa phải thay đổi hẳn nếp sống chậm chạp, khề khà cố hữu của mình.
Nhưng không phải mô hình siêu thị lớn đã đứng được trên đất này. Tôi liên tưởng đến lượng khách ra vào giữa siêu thị và một loạt các cửa hàng tự chọn ở đường Đề Thám. Rõ ràng loại trừ những ai chưa biết đi thang máy, tò mò muốn biết thì xem ra họ khoái đi những của hàng nhỏ hơn. Những cửa hàng tự chọn nhỏ gợi nhớ những tiệm chạp phô xưa, vẫn đủ hàng, vẫn hiện đại, vẫn xe, vẫn vi tính thế nhưng nó tạo cho khách đến mua hàng một cảm giác gần gũi chứ không xa vời. Đã có những chị nông dân khi dạo bước giữa những kệ cao ngất, những tầng lầu sang trọng đã khớp, đã mặc cảm cho cái thân phận quê mùa, nhỏ bé của mình. Trong khi lẽ ra họ là khách hàng mà khách hàng phải là Thượng đế và những khách hàng chân đất ấy chiếm một tỷ lệ khá cao ở miền cuối đất. Xem ra trong bước đường thăm dò, hội nhập loại department store (cửa hàng có tính cao cấp, sang trọng) đã phải nhường một bước cho những mô hình nhỏ hơn, gọn hơn.

3…
Trong những tháng ngày bộn bề cuối năm, với những nhu cầu mua sắm gần kề chợt ngẫm nghĩ chuyện xưa, chuyện nay. Cà Mau bây giờ đã khác xưa. Phố xá, siêu thị, Shop, Mart… ánh điện sáng choang. Mỗi người mỗi thị hiếu, mỗi điểm hẹn. Người dân không còn quanh quẩn với những nhu cầu ăn no, mặc ấm. Họ đã nghĩ đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp và tất yếu đi chợ phải sang. Khi tôi phác thảo nên hình ảnh một siêu thị sáng choang với một tiệm chạp phô chật chội một thời xem ra hết sức khập khiễng. Thế mà trong sâu thẳm đâu đó nó như có một mối dây liên hệ. Vẫn đáp ứng như một nhu cầu có thực, vẫn hầm bà lằng hàng hóa. Chỉ có khác, cái sau văn minh hơn cái trước. Vậy mà để có cái văn minh đó cha ông ta đã đi trọn ngót trăm năm.
Có cầu toàn quá hay không khi tôi thích đi siêu thị sắm đồ nhưng lòng vẫn thầm mong tiệp tạo hóa đầu kinh So le vẫn còn. Chiều 30 Tết tôi lại về quê cùng mẹ mua từng món hàng mã, từng ký than nướng bánh bông lan, vài cái ống khói đèn cho ba tôi. Và thể nào ông Chệt cũng dễ dãi cười khà khi thằng cháu của tôi lén quệt một miếng đường mật của ông đưa vào miệng mút vội một cách ngon lành. Khi viết những dòng này, tự dưng tôi nhớ quê đến nao lòng.

HOÀI CỔ

Tôi vốn là một kẻ ưa hoài cổ. Và vì thế, dù chủ định hay không chủ định tôi hay bị cảm xúc của chính mình nắm níu về những miền ký ức xa xưa. Ở đó, những con đò, những chiếc phà, những bến đợi luôn gợi cho tôi một cảm giác bình an nhất…