Friday, July 20, 2007

NHÀ TÂY Ở XỨ BẠC LIÊU XƯA

BaclieuPontTournant



BaclieuHotelInspection




Ngược dòng lịch sử, sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ, ngày 5/1/1876, Đô đốc Duperrae ra nghị định phân chia 6 tỉnh Nam kỳ thành 19 tiểu khu hành chính. Và đến 18/12/1882, Thống đốc Le Myre Vilers ra nghị định lấy một phần đất của hai tiểu khu Sóc Trăng, Rạch Giá lập thêm tiểu khu Bạc Liêu với viên chủ tỉnh đầu tiên là Lamothe de Carrier. Đến ngày 20/12/1989, toàn quyền Paul Doumer lại đổi khu thành tỉnh - lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có hai quận Vĩnh Lợi và Cà Mau. Và dù cho Bạc liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam Kỳ khác, song với những đặc điểm riêng biệt vốn có, Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp lúc bấy giờ. Trong một báo cáo tổng quát cho Thống đốc Nam kỳ vào năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier đã cho rằng: “…trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn...”.
Có lẽ do vậy, khi thành lập tỉnh Bạc Liêu, chính quyền lúc bấy giờ đã tiêu tốn khoảng tiền 40 ngàn đồng để xây cất dinh thự, công sở. Thêm vào đó, Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Bằng đồng tiền bóc lột từ mồi hôi của tá điền, các đại địa chủ đã xây cất nên một loạt nhà ở hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây lúc bấy giờ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, Bạc Liêu chưa trở thành một đô thị lớn của vùng đồng bằng Nam bộ như lời “tiên đoán” trên 100 năm trước đây, song, những dãy biệt thự rêu phong, trầm mặc đã như một chứng tích vàng son của xứ Bạc Liêu xưa.

Không như một số tỉnh khác như Cần Thơ hoặc An Giang, hiện nay, ở xứ sở Bạc Liêu vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự được xây cất theo lối kiến trúc phương Tây. Chỉ có một số ít ngôi nhà bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Chính điều này đã tạo nên cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng. Nói đến Bạc Liêu, người ta nghĩ ngay đến những tòa nhà của “Công tử” Bạc Liêu dọc theo bờ sông, nhớ đến công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm. Một số công trình kiến trúc đáng kể là Tòa Hành Chánh, Tòa Án, Dinh bố (nhà quan chủ tỉnh), nhà Huyện Sổn, nhà Hội đồngTrạch, nhà Hội đồng Điều, nhà ông Cao Triều Phát... Đến bây giờ người ta vẫn không biết đích xác những ngôi nhà này tiêu tốn bao nhiêu tiền của, chỉ biết rằng, toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch... đều được chuyên chở từ Pháp qua. Theo phỏng định của ông Ba Bé - Phó ty Kiến thiết trước đây - thì mãi đến những năm 30, 40 mới sử dụng gạch Phú Hữu (Đồng Nai). Nhưng dây chuyền công nghệ để làm nên gạch này cũng do người Pháp lắp đặt nên.
Điều đáng nói là loại trừ yếu tố vật chất, các kiến trúc sư người Pháp lúc bấy giờ đã đem lại một nét xây dựng khác hẳn, rất tiêu biểu và rất chân phương vào những năm đầu thế kỷ. Họ khai thác triệt để 3 yếu tố: cây xanh, ánh nắng, không gian. Đa số các ngôi nhà Tây xưa đều có không gian khoáng đãng xung quanh. Điểm lại một số biệt thự của tư nhân xưa, nay được sử dụng cho các cơ quan như: Thư viện tỉnh, Nhà trẻ mầm non, Viện kiểm sát, Báo Bạc Liêu... đều thấy rõ đặc điểm này. Đa số các ngôi biệt thự này dù lớn, dù nhỏ chí ít phải có trên 50 cửa sổ, cửa ra vào. Song, một bài học ở các kiến trúc sư người Pháp lại là “sự kết hợp hai yếu tố hiện đại và dân tộc vào kiến trúc”. Việc duy trì cái cũ khi xây dựng cái mới đã làm nên cái bản sắc độc đáo của mỗi vùng. Đa số các nhà Tây còn lại đều cho thấy việc tuân theo một quy tắc kiến trúc cổ điển: phần đằng trước đối xứng nhau, mái không phẳng và lợp ngói theo phong cách Đông phương. Và những yếu tố kiến trúc phương Đông này được các KTS người Pháp sử dụng tài tình. Tiêu biểu là mái ngói bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Chỉ vài nét đặc sắc như vậy đã làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa Bạc Liêu mang một sắc thái khác hẳn những “dấu ấn Tây” ở Sài Gòn, Hà Nội... mà đặc biệt là Đà Lạt đã “Âu hóa” hoàn toàn.
Điểm khác biệt ở một số ngôi nhà Tây ở Bạc Liêu - đa số là nhà của các đại điền chủ - là đã cải tiến lại, vẫn là 3 gian, 2 chái. Sảnh giữa nhà thường để bộ trường kỷ tiếp khách. Khi bước vào nhà của Huyện Sổn hay nhà của Hội đồng Trạch, chúng ta điều thấy rõ bên cạnh những phù điêu đắp cột, bao lam, gờ tường rất Tây lại là những cửa, những hương án, bình phong bằng gỗ cẩm lai, lim đen rất cổ kính. Điểm lạ là những nét nhấn này lại hết sức hòa hợp với nhau. Nét chung nhất của những ngôi nhà này vẫn là nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng đặc trưng. Bên trong nhà thường xuất hiện những hành lang, vòm trần cao vút. Hiện nay, các hoa văn trên vòm trần một số ngôi nhà vẫn còn giữa nguyên với màu sắc tươi tắn nguyên bản.
Ở giai đoạn vài mươi năm sau đầu thế kỷ, một loạt nhà khác được xây dựng nên bởi kiến trúc sư Việt Nam được Pháp đào tạo tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Họ đã bớt câu nệ những chi tiết, những mô phỏng cổ. Và chủ nhân của những ngôi nhà này lại là lớp trí thức “Tây học” nên cách xếp đặt, bài trí cũng khác hơn, mới hơn. Họ đã chú ý đến sân thượng, ban công, cách bố trí xếp đặt phòng khách. Hình khối kiến trúc đã không còn là khối phẳng như trước đây. Tiêu biểu là nhà biện lý Tòa Án, Chánh án tòa án (nay là CLB hưu trí, nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là trụ sở báo tỉnh), nhà bác sĩ Hào (nay là trường mẫu giáo)...
Nhưng xét trên bình diện chung nhất, dẫu đó là nhà tư nhân hay dinh thự thì vẫn hồ nước mưa rất lớn. Có lẽ khi đó, các KTS Pháp đã nghiên cứu rất nhiều về xứ sở phù sa, nước mặn này. Song họ không xây hàng loạt những hồ nước mưa theo hình khối hợp cứng nhắc. Ở nhà “Công tử” Bạc Liêu thì trên nóc dãy nhà gia nhân dài hàng mấy chục thước là hồ chứa nước mưa. Bên trên hồ trở thành sân thượng thông qua một sảnh lớn, nếu không tinh ý, sẽ không ai nhận ra nắp hồ. Hoặc ở nhà Huyện Sổn, bên trên hồ nước ở góc sân, chủ nhân đã cho xây lên một tháp canh sừng sững. Một số ngôi nhà khác, hồ nước mưa nằm bên dưới mặt sân bên ngoài. Nhiều hồ rất lớn, diện tích bên trên mặt hồ có đến vài ba chục mét vuông. Mỗi hồ nước mưa này có thể đủ để sinh hoạt cho một đại gia đình suốt năm. Chuyện Hội đồng Trạch cho xe kéo chở nước xài cho con mình mãi tận Giá Rai, có lẽ là chuyện thật. Những giai thoại về ăn chơi của xứ “công tử Bạc Liêu” đã khoác lên cho những dinh thự, biệt thự này một bí ẩn khác lạ. Theo dòng thời gian, rêu phong đã phủ đầy lên các khung sắt, gờ tường, nhưng những đường nét kiến trúc lạ lẫm vẫn cứ sừng sững giữa miền quê sông nước mênh mông. Nó vẫn là dấu hỏi thách đố những ai đang muốn “bóc” lại những nhát cắt lịch sử.
Đến tận bây giờ, những người dân Bạc Liêu, dù cố cựu hay tha phương đều xem quần thể kiến trúc này là một di sản tinh thần của riêng mình. Đó là niềm tự hào hay hoài niệm của người xa xứ. Điều họ tự hào là những quần thể kiến trúc ấy lại nằm giữa một vùng phù sa gần chót mũi Tổ Quốc - nơi vốn mệnh danh là xứ sở của những người đi khẩn hoang. Lịch sử đó đã trên một trăm năm nay. Nhưng cảnh hoang phế, rêu phong ấy liệu có xóa dần đi những nét đặc sắc riêng của Bạc Liêu hay không.
Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ. Điều đáng quí nhất, nó nằm tập trung theo một quy hoạch nhất định ở hai bên bờ sông. Và trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến năm 1945 - rất may là ít có nhà nào bị đập bỏ ở quy mô lớn. Thế nhưng , nỗi lo ở đây lại bắt nguồn từ sự không có ý thức, hoặc thiếu một hiểu biết, tôn trọng quá khứ nhất định. Đa số các ngôi nhà này đều được sử dụng làm công sở nhà nước. Nhiều cơ quan đã chỉnh sửa, phá vỡ nét kiến trúc ban đầu để phù hợp với công việc của mình. Sau năm 1975, Bạc Liêu đã nhiều lần tách nhập, hoặc di dời trung tâm tỉnh lỵ. Mỗi một lần như vậy, các ngôi nhà xưa lại có thêm chủ mới. Và điều kế tiếp, lại có thêm những chỉnh sửa mới. Tất cả đã trở thành một thứ “tả pín lù” không thể chấp nhận được. Nhiều ngôi nhà bị sơn phết, ngăn che, lắp rắp đến đau lòng. Ngay như ngôi nhà của công tử Bạc Liêu, nay đã được tô trét, đập phá nét xưa để hiện hữu cái gọi là “Khách sạn Công tử Bạc Liêu” chẳng còn gì nét xưa cũ.
Một nỗi lo khác lại từ việc quy hoạch đô thị. Một số người có tâm huyết với vốn văn hóa xưa đã nghĩ ngay đến việc quy hoạch một khu phố cổ - hiện giờ là trung tâm thị xã. Khu phố đó có thể từ ngã tư Quốc tế vòng quanh Bệnh viện, kéo đến rạp hát Cao Văn Lầu và hai dãy phố ven sông Bạc Liêu có cầu Quay bắc qua. Họ đã có lý khi nêu lên một nguyên tắc xây dựng đô thị của KTS người Đức J.Stuben - “phải biết tôn trọng quá khứ, không được thay đổi hay di dời cái trung tâm thành phố cũ mà chỉ xây dựng cái mới song song với cái cũ”. Sau khi tách tỉnh, Bạc Liêu đã có một quy hoạch tổng thể chung. Theo đó, khu trung tâm hành chánh sẽ riêng biệt với những con đường mới. Hiện trạng khu trung tâm hiện nay sẽ được giữ nguyên. Chưa kịp mừng, chỉ vài tháng sau, một trung tâm thương mại với những dãy nhà cao tầng xây dựng sừng sững kế bên công viên hàng me cổ kính. Và rồi, “Nhà dây thép” xưa đang bị đập bỏ, phá vỡ. Những cột móng bê tông đang để tập kết la liệt. Không hiểu một kiến trúc gì sẽ nằm giữa Tòa hành chánh, Dinh tỉnh trưởng cũ vốn rất oai nghiêm, trầm mặc.
Trước đây, khi xây dựng trụ sở Tỉnh ủy Minh Hải cũ (nay là trung tâm ĐH tại chức Bạc Liêu), kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã để lại một công trình đồ sộ, oai nghiêm nhưng vẫn hòa lẫn với không gian bên ngoài. Để rồi nó hòa nhập với các dinh thự kế đó thành một tổng thể mang tính nghệ thuật, đan xen giữa kiến trúc và cây xanh. Phải chăng, những dạng tổng thể như vậy đã bị co cụm, cắt xén trong thời buổi kinh tế thị trường. Chúng ta có thể quy hoạch lại một đô thị mới nằm song song, dẫu có muộn đi đôi chút. Song việc phá vỡ đi nét kiến trúc cổ liệu đến bao giời mới phục hồi, tái tạo. Những ngôi nhà Tây xưa, nó không có giá trị cao khi chúng ta chỉ xem xét phiến diện. Nó chỉ có giá trị khi được nằm trong một tổng thể chung. Và cái tổng thể này đã trở thành một giá trị tinh thần của xứ sở Bạc Liêu. Vùng đất này đang tính đến chuyện sẽ đi lên bằng thế mạnh du lịch. Nhưng liệu hôm nay chúng ta có cất cánh nổi không, khi vẫn còn những xâm phạm, những vết cắt vào những giá trị tinh thần của một quần thể vật chất xưa. Những ngôi nhà ấy ngủ quên đến bao giờ.

1 comment:

ktd said...

I am happy to see this post. It is really nice and useful for me. From many days i am searching for this type of article. This is a good post and is awesome.
skraplotterwinning lottery numbers