Thursday, July 19, 2007

LỤY TIẾNG TƠ LÒNG



Theo dòng chảy của những lưu dân khẩn hoang, phải chăng dòng nhạc cung đình Huế đã tiếp cận, giao thoa với dân ca, hò vè Nam bộ để sản sinh ra dòng nhạc đờn ca tài tử độc đáo। Luôn tiếp cận, thấm đẫm với thiên nhiên hào sảng nó đã có một hồn nhạc riêng, rất riêng…

"Cho đến nay, người ta có thể tranh cãi nhau về chuyện bao giờ và ai là người đặt viên đá đầu tiên cho nền ca nhạc cải lương đầy chất tài tử. 1910 với tài tử Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho chăng. Hay trước đó, 1900 với một Nhạc Khị lẫy lừng ở Bạc Liêu. Song, có một điều không thể phủ nhận, Cà Mau - Bạc Liêu phải là cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ". Ông đam mê nói và tôi kịp thấy một chút lửa vừa lóe trong đôi mắt đã già đục của lão nghệ nhân Lâm Tường Vân। Và tôi biết ông yêu đến độ nào mảnh đất ông đang sống. Ông nhắc đến những danh cầm, danh ca mà tên tuổi đã không chỉ dừng ở ranh giới xứ Lục tỉnh Nam kỳ. Từ một bản vọng cổ "Dạ cổ hoài lang" dây Bắc, nhịp tư của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - linh hồn của đờn ca tài tử cho đến ngón đàn kìm "ác liệt" nhất Nam kỳ của nghệ nhân Mười Khói. Từ cây violon độc nhất vô nhị của nghệ nhân Hai Thơm hay Năm Nghĩa chủ gánh hát Thanh Minh. Rồi thì nghệ nhân Ba Chột con hậu tổ Nhạc Khị tác giả của Liêu Giang, Ngũ quan, Tứ bửu lưu thành… cho đến Bảy Cao - người Bạc Liêu lên Sài Gòn ca vọng cổ thâu dĩa ASIA - mở ra kỷ nguyên ca vọng cổ thâu dĩa sau này. Những nghệ sĩ này thuộc nhiều giai tầng khác nhau nhưng chung nhất vẫn là một phong thái tài hoa, mã thượng. Chẳng vậy mới có tiếng "đờn ca tài tử" sau này.

… "Bài ca vọng cổ của người Bạc Liêu viết, nhạc vọng cổ người Bạc Liêu làm ra, người ca vọng cổ đầu tiên cũng là người Bạc Liêu.Hai lần ông Cao Văn Lầu kéo bầu đoàn thê tử đi thi, một vào năm 35, một nữa 38 - lần nào đội ĐCTT Bạc liêu cũng đứng hạng nhất…". Tôi vẫn nghe ông nói nhưng lại chợt nghĩ đến nỗi niềm đau đáu ông। Ông cứ như một người xót của khi nghe nghệ sĩ bây giờ ca một hơi dài lê thê khoe giọng, đàn một đoạn dài mấy nhịp không thôi. Hơn hai trăm bản bài ca nay chỉ quanh đi quẩn lại 4 câu vọng cổ, vài ba điệu lý. Buồn lắm. Và cũng từ cái buồn mà cách đây mười năm có lẻ ông đã bỏ công, bỏ của đi thu tiếng đờn, tiếng ca của các nghệ nhân thuộc thế hệ thứ hai. Ông xuýt xoa khi thấy ông Tám Ngà (Huỳnh Thiện Ngôn) râu tóc bạc phơ nằm trên võng ca mãn một hơi những bài Long đăng, Giang nam mùi mẫn. Mà cũng thật lạ, cứ như có một ma lực hoặc tổ nghiệp khiến hay sao mà những ông già ấy nhớ vanh vách ngót 20 bài bản tổ. Xàng xê 64 câu không cần coi bản, Đảo ngũ cung cũng vậy. Có bản đờn ca cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không quên. Bây giờ ông vẫn nhớ như in ngón đàn kìm của Ba Trinh, giọng ca chuẩn của Tư Thân. Rồi những Mười Xuân, Tấn Rạng. Người trẻ nhất lúc ấy đã ngót 70, riêng ông Năm Nhu thầy đờn hồi Pháp thuộc tuổi đã xấp xỉ 90. Cái nỗi sợ các nghệ nhân thế hệ thứ 2 mắt yếu, tay run lúc bấy giờ nay hóa thành sự thật. Người thì hóa ra thiên cổ, người không nghe nổi tiếng lên dây đờn. Chỉ có trên 34 bài ca, bản nhạc được ông thu là còn lại. Hóa ra đây lại là một giáo trình cho bộ môn đờn ca tài tử hiếm hoi nhất hiện nay.

…"Bản vọng cổ nó kỳ lạ lắm. Nó đã là máu, là thịt của dân Lục tỉnh Nam kỳ rồi. Giả dụ không có Tiến Quân Ca của Văn Cao đi chăng nữa thì cũng sẽ có bản khác, nhưng dứt khóat bất vọng cổ bất thành cải lương, mất đờn ca tài tử là mất hết…". Lão nghệ nhân Lâm Tường Vân vốn là dân cách mạng। Nhưng chuyện ông đến với cách mạng cũng đầy chất lãng tử. Lúc đó, mới 12 tuổi, mê tiếng đàn phím lõm, ngày ngày ông chèo ghe cho ông Mười Bường - một thầy đờn mù đi đờn ca, hát xướng - cũng chỉ cốt học được một làn hơi. Nào hay, ông già mù giả dạng đi rải truyền đơn chống Pháp. Và cũng chính người thầy mù này đã dạy ông bản xàng xê "Nâng cao ngọn cờ hồng" nhập môn để ông đi theo cách mạng. Những ý niệm dân chủ, nô lệ, phát xít đến được với chú bé mới qua lớp vỡ lòng lại chính nhờ những thanh âm xàng xê liu cống. Mà không chỉ nghệ nhân Lâm Tường Vân. Còn có biết bao nhiêu câu chuyện tương tự như vậy. Như chuyện của Thiếu tá Lê Mai Chương, ém quân ở Thanh Tuyền, Bến Cát, dù cho tàu chiến địch đầu đầy vẫn lội qua sông nghe đờn ca tài tử ở Củ Chi, Bến Dược. Hoặc nhà văn Trần Kim Trắc, lúc khoác ba lô đi lính Tiểu đoàn 307 lại mang theo ba lô ba thứ quý nhất: giọng ru của mẹ, trái tim người yêu và tâm hồn thấm đẫm làn điệu đờn ca tài tử. Các ông đều nhớ, có thời (những năm 45 - 48) vọng cổ bị cấm vì sợ ảnh hưởng tinh thần chiến sĩ. Vậy mà, đêm đêm anh em vẫn bơi xuồng ra đồng nước nổi Đồng Tháp Mười ca lén với đầy đủ lệ bộ ghi ta, sáo. Có chuyện vui mà có thật. Có chiến sĩ bị chính trị viên phạt chạy 10 vòng quanh cột cờ vì tội... lén ca vọng cổ. Vậy là, chàng ta vừa chạy, vừa ca: “Bon... bon... bon... văng vẳng tiếng chuông chùa”... (!). Riêng nghệ nhân Lâm Tường Vân, thời kháng chiến dù đã kinh qua các chức trách: trưởng công an xã rồi công an huyện nhưng vẫn... lén đi ca. Có đêm, chú chui vô chuồng trâu ca đến 2 giờ sáng, dù chỉ ít phút sau chú lại cùng đồng đội phải đi công đồn. Lạ một điều, trong những ngày ấy, nghệ nhân Lâm Tường Vân mới nghiệm ra một điều - càng đau thương, càng tang tóc lại càng căm thù; càng thất tình, càng bi luỵ lại càng yêu da diết. Cái thần tình, cái mùi rụng rún của đờn ca tài tử là vậy. Ngày cho ca trở lại, nghe nói các ông Ba Du, Tư Xe, Tám Danh đã giả bộ giọng ca của các nghệ nhân Bảy Cao, Năm Cần Thơ, Ba Nghĩa, Ba Trà Vinh... ca một bữa thiệt mãn nguyện. Nghệ sĩ ưu tú Công Thành còn nhớ, người xả cảng lệnh cấm chính là ông Nguyễn Văn Nguyễn. Ông Nguyễn đã đấu tranh phục hồi lại trong một cuộc họp Trung ương Cục. Và sau đó, gánh hát Lam Sơn đã dàn dựng tiết mục ca bài cổ bản vắn “Tôi đi bộ đội”.

Nghệ nhân Lâm Tường Vân đã bật khóc khi thấy một thanh niên đi cắt lúa mướn chỉ để kiếm tiền mua cây ghi ta phím lõm và một bộ tăng âm. Ông lẩm bẩm "Vậy là nó sống lại rồi". Với những mảnh tình si ấy tôi bỗng hiểu cội nguồn sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Phải chăng sự gắn bó máu thịt của con người Nam bộ hào sảng trên một nền âm nhạc dân gian phong phú đã tạo nên một hồn nhạc riêng độc đáo. Và không ở loại hình dân tộc nào mà đạo lý thầy trò Việt Nam, giữa thầy tuồng, thầy nhạc với môn sinh lại thiêng liêng đến vậy. Hãy khoan bàn đến chuyện cách tân hay giữ gìn bản sắc. Và cũng xin đừng bi quan vội trước sự du nhập của không ít dòng văn hóa khác. Chính những ngọn lửa bền bỉ của lão nghệ nhân ở độ tuổi thất thập cổ lai hy sẽ đủ cho ta một đức tin. Và nội cái mạch sống ngót trăm năm của bộ môn này cũng đủ cho ta choáng ngợp. Hồn Việt là đây mà quê hương cũng là đây.

Trải qua bao năm tháng, anh chiến sĩ năm xưa nay đã là nghệ nhân đờn ca tài tử. Dẫu tuổi cao sức yếu nhưng cứ thấy ông có mặt hầu hết các buổi thi đờn ca tài tử từ miền Đông đến Tây Nam bộ. Và trong ông, luôn đau đáu một nỗi niềm về sự phục hưng bộ môn nghệ thuật này. Có lần Nghệ nhân Lâm Tường Vân kể cho tôi nghe một câu chuyện đã xưa của ông với nghệ sĩ lão thành Bảy Cao. Theo đó, vào năm 1935 hay trước đó không lâu lắm, nghệ sĩ Bảy Cao cùng với nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa rủ nhau lên Sài Gòn giao du. Thật không may, mới đến Cần Thơ ông Bảy lâm bệnh thương hàn phải nằm nhà thương đành để ông bạn đi một mình. Ông Lư Hòa Nghĩa mà tên gọi bình dân trong giới là Năm Nghĩa vốn là thân sinh của cố nghệ sĩ Thanh Nga và nghệ sĩ Bảo Quốc bây giờ. Theo những đoạn hồi ức của lão nghệ sĩ Bảy Cao thì lúc bấy giờ nào phải tự dưng ông Năm Nghĩa đơn thương độc mã lên chốn phồn hoa đô hội. Mối bất hòa, lục đục với người vợ đầu tiên ở chốn Bạc Liêu đã là nguyên cớ để ông ra đi. Và chính bài ca tài tử vọng cổ nhịp 8 “Văng vẳng tiếng chuông chùa” được ông sáng tác từ chính nỗi buồn của mình. Hãng dĩa ASIA lúc này chưa có tiết mục vọng cổ, nghe tiếng đồn khen ngợi hết mực của giới mộ điệu đã đích thân mời ông Năm Nghĩa ca cho hãng thu thanh. Cố nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa đã ca bài vọng cổ nói trên với tên bình dân trên dĩa là Năm Nghĩa. Chẳng bao lâu, dĩa hát nói trên bán chạy ngoài sức tưởng tượng bởi theo nghệ nhân Lâm Tường vân thì “thể loại hoàn toàn mới lạ lại hay, với giọng ca luyến ngọt ngào và nội dung thật là thương hại cho nhân vật bài ca ấy”. Điều trớ trêu, vợ ông Năm Nghĩa vốn là người Hoa kiều chuyên buôn bán ở xứ Bạc Liêu thuộc loại dân có tiền sắm máy hát để trong nhà. Bà Năm đã mua đúng dĩa có bài ca ấy và đã xúc động, ân hận tìm lên Sài Gòn khóc lóc xin được “nối lại tơ tình”. Câu trả lời của ông Lư Hòa Nghĩa lúc bấy giờ với bà vợ đầu tiên của mình là: “Anh và em như hai thái cực khác nhau. Em lo làm giàu, anh lo nghệ thuật thì không thể nào sống chung trọn đời được. Vả chăng bát nước đã đổ đi không hốt lại trọn bao giờ”. Nghe đâu sau lần gặp đó, bà Năm đã về quê đập nát dĩa hát ấy cũng như dứt một mối tơ lòng. Riêng ông Năm Nghĩa sau đó đã sáng tác thêm bản vọng cổ thứ hai “Quằn quại gánh nợ đời” với câu 1 như sau – “Quằn quại gánh nợ đời. Tôi muốn trả cho xong nhưng sao nó cứ còn vay thêm mãi”. Câu ca cứ như một nghiệp dĩ đã vận vào suốt cuộc đời tài tử của ông Năm.।Và cũng theo lão nghệ nhân Lâm Tường Vân thì chỉ có ông Năm Nghĩa mới là người đầu tiên được thu dĩa hát ASIA। Riêng đến năm 1938, nghệ sĩ Bảy Cao mới từ Bạc Liêu lên Sài Gòn ca vọng cổ với bản “Viếng mồ bạn” với một chất giọng nam cao sắc sảo. Theo nghệ nhân Lâm Tường vân, cũng từ đây kỷ nguyên ca vọng cổ thu dĩa ở miền Nam mới trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết.

Song điều mà ông Lâm Tường Vân trăn trở nhất trong lá thư gởi tôi lại là những nghi vấn chưa được sáng tỏ. Ông cho rằng, vào khoảng thời kỳ 1935 ấy có thêm hai nghệ sĩ ca vọng cổ thâu dĩa là Hồng Châu và Thái Văn Phồi với hai bài “Nhân đạo ở đời” và “Cộp cộp kìa ai gõ cửa”. Ông phụ chú đậm nét: “… lúc tôi nghe dĩa hát này thì chỉ mới 11 tuổi, đâu biết điều gì cần nhớ để hôm nay nói lại cho đúng với sự kiện lịch sử nghệ thuật…”. Và trong một lần trao đổi gần đây với phóng viên Thanh Niên, các nghệ nhân lại ôn cố nhiều đến những nam, nữ kịch sĩ lừng danh không chỉ trong giới hạn xứ công tử Bạc Liêu xưa। Những cô Ba Vàm Lẻo, cô Hai The, cô Ngọc Cầm… những nghệ nhân Kim Thanh, Ngọc Vĩnh, Ngọc Dương, Sanh Lợi, Văn Chương, Đỗ Lộc Châu, Ba Khuê. Rồi một soạn giả Mộng Vân với những “Tân Xá Phỉ”, “Phong Nguyệt”, “Sơn đông hướng mã” mang hơi hướng cổ nhạc thanh tân. Rồi một soạn giả Trịnh Thiên Tư với vở tuồng lịch sử đầu tiên “Hận tình” với việc phổ biến dây bắc 12 câu, nhịp tư lơi. Các nghệ nhân còn nhắc nhiều đến một cái chết đau lòng vì bệnh phong của “hậu tổ” Nhạc Khị lừng danh, hoặc một nghệ nhân Bảy Kiên khét tiếng phong tử hào hoa đã mấy lần nương nhờ cửa Phật nhưng rồi không dứt được kiếp cầm ca. Còn nhớ “hậu tổ” Nhạc Khị sử dụng 4 món nhạc khí cùng lúc: Đẩu, Bạc, Kèn, Phách. Dịp vua Thành Thái vào Nam Kỳ - lúc này đã rơi vào tay Pháp - Nhạc Khị đã sáng tác bài “Ngự giá đăng lâu”, “Ai tử kê” - mượn chuyện tiếc thương đàn gà con vừa mất để cảm thán nỗi lòng. Riêng với nghệ nhân Ba chột, con Nhạc Khị lại chuyên đờn đoản, đờn sến, tác giả của nhiều bài bản nổi tiếng: Thuấn Hoa, Liêu Giang, Mẫu Đơn, Huỳnh Ba, Vạn Thọ, Hoà Duyên, Cảnh Xuân, Tam Quan Nguyệt, Nhựt Nguyệt...

Tất cả những câu chuyện vừa nêu dường như đang bị một lớp bụi mờ thời gian che phủ. Vấn đề được nhắc đến ở đây không chỉ là một thái độ lao động hết sức nghiêm túc của những lão nghệ nhân già ở độ tuổi như ngọn đèn hắt hiu trước gió của ông Lâm Tường Vân, của Ban nghệ nhân đàn ca tài tử Cà Mau. Song chúng tôi chợt nghĩ, rồi có còn ai nối theo nghiệp dĩ của các nghệ nhân già vừa kể hay không. Rồi có còn một ai một đời đau đáu đi tìm, đi chắt mót từng mẫu ký ức xưa hay không. Trong khi đó, vốn quý của một dòng đờn ca tài tử vốn mênh mông vô kể mà cuộc đời các nghệ nhân còn sống vốn ngắn vô cùng.

No comments: